Đề án tổng thể đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn: Lấy đoàn viên và người lao động làm trung tâm

Cập nhật: 06-11-2018 | 07:29:08

Đề án Tổng thể đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn (CĐ) tỉnh Bình Dương trong tình hình mới (gọi tắt là đề án) đã được Tỉnh ủy phê duyệt và hiện đang triển khai xuống tận các công đoàn cơ sở (CĐCS). Nhân dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã thực hiện cuộc phỏng vấn ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về những nội dung trọng tâm, cũng như giải pháp để đề án được triển khai một cách hiệu quả, thiết thực.

 Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động CĐ theo hướng lấy ĐV và NLĐ làm trung tâm để xác định nhiệm vụ của các cấp CĐ. Trong ảnh: CĐ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore triển khai Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2018. Ảnh: T.THẢO

 - Ông có thể cho biết quan điểm chung trong việc xây dựng Đề án Tổng thể đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động CĐ tỉnh Bình Dương như thế nào?

- Trên cơ sở kết quả hoạt động CĐ thời gian qua, cũng như những cơ hội và thách thức đối với tổ chức CĐ và hoạt động CĐ trong tình hình mới, quan điểm của đề án là chủ động đổi mới toàn diện từ nội dung nhiệm vụ, phương thức hoạt động, đến tổ chức, cán bộ với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về lao động; đồng thời phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức CĐ; xác định trọng tâm đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của CĐCS khu vực doanh nghiệp, các CĐ khu công nghiệp và một số LĐLĐ cấp huyện đang trực tiếp quản lý, chỉ đạo nhiều CĐCS khu vực doanh nghiệp.

Đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ vững sự ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

- Vậy mục tiêu mà đề án đề ra cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Đề án đề ra mục tiêu đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của CĐCS khu vực doanh nghiệp và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở theo hướng lấy đoàn viên (ĐV) và NLĐ làm trung tâm để xác định nhiệm vụ của các cấp CĐ; tạo dựng sức mạnh của tổ chức CĐ trong doanh nghiệp từ nền tảng sức mạnh của tập thể NLĐ. Đề án nhằm củng cố và phát triển tổ chức CĐCS tại doanh nghiệp là nền tảng xây dựng CĐ tỉnh Bình Dương vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện và bảo vệ tốt nhất cho NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ. Đề án cũng hướng tới xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại nơi làm việc, góp phần quan trọng phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ vững sự ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Để thực hiện có hiệu quả đề án này, đâu là những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra, thưa ông?

- Nhiệm vụ trước tiên là đổi mới nội dung nhiệm vụ của CĐCS khu vực doanh nghiệp; CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở gắn liền với lợi ích của ĐV và NLĐ, phát huy tính chủ động của ĐV, NLĐ trong tổ chức và hoạt động của CĐCS; tập trung hoạt động của CĐ vào nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo lợi ích của NLĐ, xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc hài hòa, ổn định, tiến bộ. Tiếp đó là đổi mới phương thức hoạt động của CĐCS. Cụ thể là đổi mới phương thức chỉ đạo của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở sang phương thức vừa chỉ đạo, vừa hỗ trợ CĐ cấp dưới. Nội dung hoạt động của CĐ cấp trên phải xuất phát từ yêu cầu của cấp dưới, đồng thời làm tốt vai trò hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ cấp dưới thực hiện nhiệm vụ. Đổi mới cơ cấu tổ chức CĐCS khu vực doanh nghiệp và đa dạng hóa hình thức tổ chức, hình thức liên kết trên địa bàn các khu công nghiệp và đơn vị hành chính cấp huyện Đổi mới công tác cán bộ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ theo hướng chuẩn hóa và chuyên nghiệp ở một số lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt chú trọng đội ngũ tổ trưởng, tổ phó CĐ tại doanh nghiệp. Thiết lập các thiết chế của CĐ phục vụ trực tiếp ĐV và NLĐ tại những nơi có đông công nhân lao động. Đổi mới công tác thu, chi, quản lý, sử dụng tài chính CĐ. Từng bước thực hiện công khai, minh bạch tài chính CĐ; đồng thời đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức chính trị và ý thức giai cấp đối với cán bộ, ĐV, công nhân lao động trong các doanh nghiệp.

- Giải pháp nào cần được chú trọng để đề án đạt được mục tiêu đã đề ra, thưa ông?

- Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, đề án đề ra 7 nhóm giải pháp, gồm: Cơ cấu tổ chức; công tác cán bộ; nhiệm vụ của các cấp CĐ; phương thức hoạt động CĐ; công tác ĐV và thành lập CĐCS; công tác tài chính CĐ và công tác tuyên truyền giáo dục. Nhằm cụ thể hóa đề án, Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh giao cho Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng các đề án thành phần, kế hoạch chi tiết như: Đề án “Chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho ĐV”, Đề án thành lập “Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn”, Đề án thành lập “Quỹ bảo vệ cán bộ CĐCS”; kế hoạch “Thí điểm thực hiện chính sách thu hút, đào tạo và bố trí cán bộ chuyên trách CĐ tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động”; kế hoạch “Thí điểm thực hiện chính sách thu hút và bổ sung cán bộ CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở từ nguồn cán bộ CĐCS”…

- Xin cảm ơn ông!

 THU THẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên