Để làng nghề sơn mài phát triển – Kỳ 1

Cập nhật: 13-05-2015 | 08:46:37

Kỳ 1: Chỉ còn một thời vang bóng?

 Một dấu son không thể nào quên với bất cứ người nào đã từng chứng kiến sự thịnh vượng rồi xuống dốc của làng nghề sơn mài Thủ Dầu Một. Trước năm 1975, hai nghệ nhân Trương Văn Thành và Nguyễn Văn Lễ sáng lập Xưởng thủ công mỹ nghệ Thành Lễ, đưa nghề sơn mài đạt tới đỉnh cao về số lượng cũng như chất lượng. Hàng sơn mài Thành Lễ có mặt tại Nam Vang (Campuchia), Paris (Pháp), Munich (Đức), Hương Cảng (Hồng Kông - Trung Quốc), Úc và môt số nước châu Phi. Sản phẩm sơn mài Thành Lễ còn tham gia hội chợ mỹ nghệ tại một số nước châu Âu, châu Á và đoạt rất nhiều huy chương.

Nghệ nhân Tư Bốn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc và Sơn mài Bình Dương, chia sẻ: “Mốc son thứ hai, những người đồng trang lứa với tôi không sao quên được. Đó là thời điểm những năm 90, riêng tại làng nghề Tương Bình Hiệp có hơn 400 hộ dân theo nghề sơn mài, 90% người dân trong làng làm việc có liên quan đến sơn mài. Không khí nhà nhà, người người làm sơn mài nhộn nhịp hẳn vùng quê nghèo trong những năm thời kỳ đầu đất nước đổi mới”.

Làng nghề dần thu hẹp

Không chạnh lòng sao được khi hiện tại ở các phường Tương Bình Hiệp, Chánh Nghĩa, Phú Cường, Tân An, Định Hòa… của TP.Thủ Dầu Một số cơ sở làm nghề sơn mài còn không tới 100. Đa phần các cơ sở này đều hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, chạy theo số lượng hơn là chất lượng; giá cả cũng không có sự đồng nhất, đa phần phụ thuộc vào thương lái. Trong khi đó, người nghệ nhân làm ra sản phẩm nhận thù lao chưa tương xứng với tâm huyết của mình bỏ ra. Đó là một trong những nguyên nhân khiến làng nghề sơn mài bị mai một dần.

Các nghệ nhân cùng nhau xem lại các tác phẩm mang đậm nét văn hóa sơn mài đất Thủ tại phòng trưng bày sơn mài của nghệ nhân Năm Định. Ảnh: P.HIẾU

Tìm hiểu chúng tôi được biết, số cơ sở làm sơn mài theo kiểu truyền thống (phải trải qua 25 công đoạn, thời gian mất từ 2 - 3 tháng cho một sản phẩm) hiện nay không còn nhiều. Nhiều người chạy theo thị trường, theo đơn đặt hàng… bằng các phương pháp công nghiệp: in hình và phun sơn PU để cho ra hàng loạt sản phẩm sao bản giống hệt như nhau, làm mất đi cái thần, cái hồn mà mỗi nghệ nhân để lại trong tác phẩm của mình.

Thạc sĩ, họa sĩ Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc và Sơn mài Bình Dương, cho biết ngày xưa nhiều người biết đến nghề sơn mài Thủ Dầu Một là nhờ chất lượng, chứ không phải số lượng. Mỗi nghệ nhân thể hiện cá tính riêng, bằng nét vẽ, chất liệu, cùng một sản phẩm nhưng qua 2 lần vẽ, cái thần thái và cái hồn đã khác rất xa. Cho dù khách đặt hàng số lượng bao nhiêu đi nữa cho cùng một sản phẩm thì mỗi tác phẩm ra đời đều mang dấu ấn riêng biệt không có cái nào giống cái nào.

Nghệ nhân Tư Bốn thì nói: “Khoảng hai năm trước, đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài vẫn còn lác đác; đến nay thì hầu như không còn. Sản phẩm sơn mài đang lệ thuộc rất nhiều vào các thương lái để tìm đầu ra”.

Lo không có thế hệ kế thừa

Sơn mài Bình Dương trước đây nổi tiếng nhờ bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, sự khắt khe và tâm huyết trong công việc. Mỗi sản phẩm sơn mài ra đời là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Sự phát triển của công nghệ giúp nhiều người tiết kiệm thời gian, số lượng sản phẩm tăng nhanh, còn chất lượng thẩm mỹ - yếu tố quyết định đến uy tín và thương hiệu làng sơn mài đang bị xem nhẹ. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tên tuổi của cả làng nghề

Quy luật đào thải cũng diễn ra nhanh chóng tại làng sơn mài Bình Dương. Một số nghệ nhân nhanh nhạy, đầu tư sắm trang thiết bị hiện đại, đa dạng sản phẩm và chủ động tìm đầu ra mới trụ nổi trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Một nghệ nhân lão làng của làng sơn mài Tương Bình Hiệp nói với chúng tôi: “Rất nhiều cơ sở sơn mài đã không còn hoạt động, người ta tìm nghề khác để sinh nhai. Có người đi phụ hồ, có người mở xe hủ tíu để bán. Tương lai của làng nghề sẽ không biết về đâu vì lớp trẻ kế cận không mặn mà với nghề sơn mài nữa”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết lương thợ sơn mài chỉ từ 160.000 - 170.000 đồng/ ngày, tuy vậy lúc có việc làm lúc không. Đây là nguyên nhân chính khiến thế hệ con cháu của các nghệ nhân, cơ sở làm sơn mài không còn tha thiết với nghề. Nghệ nhân Năm Định băn khoăn: “Cái lo nhất là không có thế hệ kế thừa nghề sơn mài bằng sơn ta tại làng nghề. Người ta chạy theo lợi nhuận, sản xuất hàng loạt, thời gian hoàn thành một sản phẩm chỉ còn vài ngày, thậm chí vài giờ. Trong khi đó thời gian làm ra một tác phẩm sơn ta đúng truyền thống mất đến 3 tháng, qua hàng chục công đoạn. Rồi đây sơn mài bằng sơn ta, cẩn vỏ ốc, vỏ trứng… sẽ mất hút tại cái nôi của làng nghề”.

Hiện tại, chỉ còn vài nghệ nhân vẫn gắn bó với nghề sơn ta truyền thống. Thi thoảng có đơn đặt hàng họ mới sáng tác, còn không thì “ngồi chơi xơi nước” bởi chi phí làm ra một sản phẩm sơn ta truyền thống tốn gấp 4 - 5 lần so với cách làm công nghiệp như hiện nay. Trong khi đó, sản phẩm sơn mài theo kiểu công nghiệp hiện nay cho ra sản phẩm không khác gì tác phẩm truyền thống, phải là nghệ nhân lão làng, có kinh nghiệm mới phân biệt được đâu là hàng sơn mài đúng nghĩa.

Tâm huyết với nghề như ông Năm Định, “năm khi mười họa” ông mới dành thời gian sáng tác sơn mài theo kiểu truyền thống. Năm 2013, ông mở nhà trưng bày tác phẩm sơn mài tại Làng nghề Tương Bình Hiệp để lưu trữ và trưng bày các tác phẩm sơn mài của các nghệ nhân có tay nghề cao. Ban đầu khách còn viếng thăm, giờ nhà trưng bày đã rơi vào cảnh đìu hiu, vắng bóng người tham quan. Để duy trì hoạt động ông Năm Định cho thuê lại khuôn viên để người ta mở quán café, còn nhà trưng bày chỉ là nơi lui tới của một số nghệ nhân có tâm huyết. Họ đến để nhớ lại thời hoàng kim của làng nghề và tìm cách giữ lại những gì tinh túy nhất của nghề sơn mài đã có hàng trăm năm tuổi.

 Nhắc tới nghề thủ công mỹ nghệ của Bình Dương, ngoài gốm sứ không thể không nhắc tới tranh sơn mài của miền đất Thủ. Ngót nghét đã trên 300 năm lịch sử, nghề sơn mài theo dấu chân những bậc tiền nhân khi vào Nam khai hoang lập ấp. Không phải ngẫu nhiên người Pháp mở trường Bách nghệ ngay tại Thủ Dầu Một, bởi vào lúc đó nghề gốm sứ và làm tranh sơn mài Bình Dương đã phát triển rầm rộ, lan tỏa khắp Nam kỳ lục tỉnh. Hai bộ môn gốm sứ và sơn mài cùng với nghề đúc đồng và chạm gỗ chính là những bộ môn đầu tiên được đào tạo tại trường học này, nay là trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương.

 

Kỳ 2: Giữ vững làng nghề

LÊ PHÙNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên