Dị tật thai nhi vẫn giảm thiểu được

Cập nhật: 30-03-2013 | 00:00:00

Tuổi 35 trở lên là thuộc dạng “có nguy cơ” cao trong sinh sản và không nên mang thai khi đã qua tuổi 40, vì nguy cơ thai dị tật rất cao, đặc biệt là bệnh Down.

Tuần qua, dư luận xôn xao về trường hợp đầu tiên ở nước ta có một sản phụ (Lê Huỳnh Anh Thư) sinh 5 thành công tại Bệnh viện Từ Dũ, tối 17-3. Nhiều người tỏ ra mừng nhưng thực ra ở góc độ khoa học, không chuyên gia sản khoa nào lại khuyến khích đa thai mà lại mang những 5 thai, bởi nhiều nguy cơ xấu cho sức khỏe của mẹ và con. Tuy nhiên, trong vấn đề sinh sản, ngoài phòng ngừa tai biến sản khoa, giảm tỷ lệ sinh non… thì các bà mẹ hiện rất ít lưu ý đến việc giảm thiểu dị tật thai nhi.

Khám thai đúng và đủ sẽ giúp các bà bầu “mẹ tròn con vuông”. Ảnh: LÊ SƠN

Tỷ lệ khiếm khuyết bẩm sinh cao

Dị tật thai nhi cơ bản có hai dạng: có hoặc không có nguyên nhân. Với dạng có nguyên nhân thì trước hết phải kể đến các vấn đề liên quan đến di truyền, vợ chồng gần nhau về huyết thống, khi đã lớn tuổi mới sinh con, cha và mẹ bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ hoặc các hóa chất độc hại, nhiễm trùng mà đặc biệt là trong 12 tuần đầu thai kỳ… và chúng ta cần quan tâm đến dạng này vì có điều kiện tác động để giảm thiểu hơn dạng không có nguyên nhân.

Theo kết quả từ cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở do Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thực hiện năm 2009 thì nước ta có đến 7,8% dân số là người khuyết tật mà điều đáng lưu ý là trong đó số người mắc các khiếm khuyết bẩm sinh rất cao.

Cảnh giác cả với thuốc bổ

Vấn đề cần đề cập ở đây là việc thai phụ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn, quản lý thai… ở nước ta chưa đạt như mong muốn. Tại các thành thị, nhờ có nhiều cơ sở y tế và thông tin thuận lợi nên thai phụ thường theo dõi thai rất chặt chẽ, khám thai thường xuyên, nhưng ở các vùng sâu, vùng xa thì nhiều thai phụ vẫn chưa quan tâm. Ngay với một thành phố lớn như TP.HCM, theo bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Thông - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM thì thống kê của trung tâm này vào năm 2010 cũng cho thấy trong 117.335 ca sinh tại toàn thành phố thì số ca sinh được quản lý thai (mẹ khám thai ít nhất 1 lần) chỉ có 66.741 ca (56,88%); tỷ lệ khám thai trên 3 lần chỉ đạt 30.621 ca (26,1%).

Chính vì chất lượng dân số phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của sinh sản nên các chuyên gia sản khoa vẫn khuyến cáo các bà mẹ là cần lưu ý tuổi 35 trở lên là thuộc dạng “có nguy cơ” trong sinh sản và không nên mang thai khi qua tuổi 40. Bên cạnh đó, cần tránh xa các hóa chất, phóng xạ; thật cẩn trọng khi dùng các loại thuốc; khi có thai, nếu có bệnh và đang điều trị thì cần thông báo cho bác sĩ là mình đang phải điều trị bệnh gì. Ngay cả các loại thuốc bổ và thực phẩm chức năng thì cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và không nên quá tin vào những lời quảng cáo của nhà sản xuất. Khi thai còn nhỏ, sản phụ không nên siêu âm quá nhiều. Tránh đến nơi đông người trong mùa dịch tễ là cách để các bà bầu ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Thai phụ cần được thăm khám thường xuyên

Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ thì thai phụ cần được thăm khám thường xuyên. Việc khám thai ở 3 tháng đầu nhằm xác định thật sự có thai hay không, thai nằm trong hay ngoài tử cung, có bao nhiêu thai, thai có sống và phát triển bình thường không, có yếu tố nào đe dọa thai hay không; 3 tháng giữa khám để theo dõi sự phát triển của thai, kiểm tra nước ối, bánh nhau; 3 tháng cuối chủ yếu để kiểm tra hướng xoay đầu của thai và dự đoán các bất trắc, tai biến có thể xảy ra trong cuộc sinh. Tuy nhiên, việc khám 3 - 4 lần trong thai kỳ chỉ là tối thiểu và chưa phải là đủ.

TS-BS LÊ TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên