Điều trị bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn tại bệnh viện đa khoa tỉnh: Những kết quả bước đầu

Cập nhật: 01-09-2018 | 12:01:25

Mới đây, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã điều trị thành công cho một cháu bé bị rắn lục đuôi đỏ cắn bằng phương pháp truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đuôi đỏ. Phương pháp này đã được BVĐK áp dụng từ nhiều năm nay với tỷ lệ điều trị thành công 100%...

Từ tháng 6-2016, BVĐK tỉnh bắt đầu triển khai điều trị cho người bệnh (cả người lớn và trẻ em) bị rắn lục đuôi đỏ cắn bằng phương pháp truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục. Với việc triển khai phương pháp này, không chỉ giúp đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân, mà còn giúp bệnh nhân giảm được thời gian, chi phí đi lại. Trước khi triển khai phương pháp này, tất cả người bệnh bị rắn lục đuôi đỏ cắn nhập viện, bệnh viện đều phải chuyển người bệnh lên tuyến trên điều trị. Điều đáng ghi nhận là, sau khi phương pháp điều trị này được triển khai, tất cả người bệnh bị rắn lục đuôi đỏ cắn đều được giữ lại điều trị, với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh 100%.

Bên cạnh điều trị cho người lớn, phương pháp này cũng được áp dụng cho trẻ em. Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, cho biết từ tháng 6-2016, khoa Nhi bắt đầu triển khai điều trị trẻ bị rắn độc cắn. Số liệu thống kê từ tháng 1 đến tháng 8-2018 có 12 trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Một số trẻ vào bệnh viện trong tình trạng sung nề, xuất huyết nhiều tại vết rắn cắn, rối loạn đông máu toàn thân nặng nhưng đã được tập thể bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhi điều trị, chăm sóc tích cực, kịp thời và cứu sống trẻ. Tỷ lệ thành công cao khi khoa áp dụng phương pháp truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đối với trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn mà có chỉ định truyền (rắn lục cắn gây tổn thương trên cơ thể trẻ ở mức độ trung bình và mức độ nặng). Cũng theo bác sĩ Minh Nguyệt, ngoài việc áp dụng phương pháp truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đuôi đỏ ra, có một yếu tố cũng góp phần quan trọng cho việc điều trị thành công là người nhà của trẻ đưa trẻ đến bệnh viện sớm ngay khi phát hiện bé bị rắn cắn. Nhiều bậc cha mẹ còn đem theo xác rắn cắn cho bác sĩ xác định loại rắn cắn trẻ.

Khi rắn độc cắn người, độc tố từ nọc rắn có thể gây biến chứng nguy hiểm cho người bị cắn như: Gây biến chứng rối loạn đông máu cho người (gồm các loại rắn độc sau: rắn chàm quạp, rắn lục đuôi đỏ…); gây biến chứng suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, liệt hầu họng, sụp mi mắt... Đối với người bị rắn độc cắn, phương pháp điều trị chính là dùng chất kháng nọc độc. Cụ thể, đối với rắn lục đuôi đỏ là truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đuôi đỏ khi người bệnh có chỉ định (rắn lục cắn gây tổn thương trên cơ thể trẻ ở mức độ trung bình và mức độ nặng). Huyết thanh kháng nọc rắn lục đuôi đỏ mà BVĐK tỉnh đang sử dụng cho người bệnh do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang sản xuất, có hiệu quả cao và an toàn khi sử dụng.

Cùng với một số phương pháp điều trị hỗ trợ khác, việc áp dụng phương pháp truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đuôi đỏ đối với những bệnh nhân bị rắn cắn phải nhập viện điều trị tại BVĐK tỉnh trong thời gian qua đã mang lại những kết quả hết sức tích cực. Đây chính là động lực để đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện tiếp tục cố gắng phấn đấu, áp dụng thêm nhiều phương pháp mới trong điều trị với mục tiêu tất cả vì sức khỏe của người dân.

HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên