EVN Telecom thua lỗ vì tư duy độc quyền

Cập nhật: 15-02-2012 | 00:00:00

Theo TS Mai Liêm Trực, sai lầm của EVN Telecom là do tư duy của những người trong cơ chế độc quyền lâu năm trực tiếp điều hành.

Sự thất bại, thua lỗ lớn của nhiều tập đoàn, DNNN gần đây gây tổn thất lớn cho Nhà nước và khiến dư luận bất bình về sự quản lý điều hành và hoạt động của mô hình Tập đoàn Nhà nước, trong đó có câu chuyện về sự thất bại của EVN Telecom.

Trước thực tế này, với tư cách là người có nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý cấp Bộ trong lĩnh vực này, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho rằng, ông không bất ngờ về sự thua lỗ của EVN Telecom.

 EVN Telecom thua lỗ là thất bại đau đớn nhất của EVN năm 2011 TS Mai Liêm Trực phân tích: Khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh viễn thông, EVN Telecom có một số lợi thế hơn các đối tác khác như: sử dụng cáp quang trên đường dây điện lực; có những cán bộ trước đây đã từng quản lý nhiều năm mảng viễn thông điện lực và điều hành trong nội bộ mạng viễn thông; đặc biệt là lợi thế dựa vào thương hiệu lớn là tập đoạn EVN, ngay từ đầu Tập đoàn EVN đầu tư rất lớn vào EVN Telecom.

Tuy nhiên, EVN Telecom phá sản vì thị trường viễn thông của Việt Nam đã mở ra cạnh tranh, trong khi EVN nhiều năm vẫn hoạt động trong môi trường độc quyền. Cung cách quản lý của EVN Telecom với việc EVN đã thành lập doanh nghiệp với 100% vốn nhà nước mà lại để những người trong cơ chế độc quyền hoạt động lâu năm trực tiếp điều hành thì ngay cả mô hình kinh doanh, quản trị doanh nghiệp cũng như các cơ chế nội bộ của EVN Telecom hoàn toàn sai lầm trong môi trường kinh doanh.

Hơn thế, EVN Telecom thua lỗ dài đã được cảnh báo trước nhưng không kịp thời xử lý để đến bên bờ vực phá sản. Trong điều kiện khẩn cấp như vậy, Chính phủ đã phải điều chuyển nguồn vốn này kể cả cơ sở vật chất và số lượng con người sang Viettel để quản lý. Đây chính là một bài học rất đau xót cho những doanh nghiệp độc quyền mà muốn tham gia kinh doanh vào lĩnh vực cạnh tranh nhất là những lĩnh vực ngoài ngành và đầy rủi ro.

Trở lại thời kỳ khởi nghiệp của EVN Telecom, Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đã đầu tư một con số không nhỏ, khoảng 2.100 tỷ đồng, vào lĩnh vực tài chính ngân hàng (đây được cho là lĩnh vực nhạy cảm). Tuy nhiên, số vốn này cùng thế lực của EVN không thể giúp EVN Telecom thành người hùng,  trái lại công ty này đã thua lỗ thảm hại. Dư luận đặt nhiều nghi vấn về lòng tham của EVN khi mở rộng đầu tư dàn trải và sự quản lý yếu kém của lãnh đạo cả Công ty lẫn Tập đoàn.

TS Mai Liêm Trực đánh giá: EVN đầu tư vào lĩnh vực viễn thông có những lợi thế nhất định mà EVN Telecom vẫn phá sản thì việc mà EVN đầu tư vào những lĩnh vực đầy rủi ro cũng rất cạnh tranh như bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng mà thua lỗ là điều tất yếu. Bởi lẽ, chỉ những nhà quản trị của những tập đoàn độc quyền mới thường không hình dung được môi trường cạnh tranh hoàn toàn khác.

Người ta thường nói rằng, rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn hay ngược lại. Các doanh nghiệp độc quyền thường rất khó khăn trong môi trường cạnh tranh, nhất là lĩnh vực rủi ro. Đây là một bài học không những của EVN Telecom về hậu quả cho bản thân những người chịu trách nhiệm phải gánh chịu mà cả xã hội cũng phải gánh chịu. Không những EVN mà các DNNN khác mà đầu tư dàn trải, ngoài ngành, đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh rủi ro gây thất thoát cho Nhà nước.

Với những thất bại của EVN Telecom, TS Mai Liêm Trực cho rằng, do sức hấp dẫn của những thị trường viễn thông đang như miếng bánh ngon ăn, siêu lợi nhuận đã làm cho lãnh đạo EVN không tỉnh táo, có động cơ tốt là mong nhảy vào. Nhưng, EVN chỉ thấy thấy lợi thế của thị trường viễn thông và thế mạnh vốn độc quyền của mình mà không hình dung được hết những hậu quả, rủi ro, khắc nghiệt của thương trường.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên