Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Thủy: Sẽ chủ động ứng phó khẩn cấp trong trường hợp vỡ đập hồ Dầu Tiếng

Cập nhật: 17-08-2013 | 00:00:00

Trước những luồng thông tin khác nhau của nhiều địa phương về khả năng vận hành an toàn của hồ thủy lợi Dầu Tiếng, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Minh Thủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về các phương án xử lý trong trường hợp đập hồ Dầu Tiếng bị vỡ!

Công trình đầu mối hồ Dầu Tiếng được thiết kế theo tiêu chuẩn của công trình cấp I, mức độ thiết kế an toàn nhất của công trình thủy lợi

- Bà đánh giá thế nào về công tác quản lý các hồ thủy lợi trên địa bàn Bình Dương trong thời gian qua?

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các đơn vị quản lý công trình theo đúng quy định của Nhà nước về an toàn đập như đăng ký, kiểm tra đánh giá, kiểm định an toàn đập; xây dựng quy trình vận hành hồ chứa; lập phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du. Trong tháng 4-2013, Sở NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra các công trình trước mùa mưa lũ. Kết quả cho thấy hầu hết các công trình đều hoạt động bình thường, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

Hàng năm, trong hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão (PCLB), Ban chỉ huy PCLB của tỉnh đều mời các đơn vị quản lý hồ chứa quốc gia về dự để đóng góp và tiếp thu ý kiến của thành viên Ban chỉ huy PCLB các cấp về công tác thông tin, phối hợp khi các hồ chứa phải xả lũ theo quy trình vận hành.

Công trình thủy lợi hồ Phước Hòa được đầu tư hiện đại, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cư dân vùng hạ du

- Khi hồ thủy lợi Dầu Tiếng xả lũ, kết hợp với triều cường có ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân Bình Dương hay không?

- Vào mùa mưa phải xả lũ qua tràn theo quy trình vận hành để bảo đảm an toàn cho công trình. Theo số liệu thống kê của ngành từ năm 1986- 2006, việc xả lũ hồ Dầu Tiếng gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp (lúa, hoa màu, cây ăn trái, gia súc, gia cầm…) của các xã ven sông Sài Gòn thuộc Bình Dương khoảng 40,33 tỷ đồng (lưu lượng xả lớn nhất vào năm 1986 và năm 2000 khoảng 600m3/s).

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã đầu tư hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu. Từ khi hoàn thành (năm 2008) đến nay, công trình đã giải quyết về cơ bản việc ngăn triều, chống ngập úng cho khu vực. Đồng thời, Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương đã thực hiện nâng cấp đê bao Chánh Mỹ lên cao trình +2.20m bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh nên đã giải quyết về cơ bản tình hình ngập úng do triều cường tại xã Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một.

Tuy nhiên, việc xả lũ kết hợp với triều cường vẫn còn ảnh hưởng cục bộ đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân ở các vùng đất thấp chưa có đê bao ven sông Sài Gòn: thị trấn Dầu Tiếng, xã Định Thành, Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng); xã Tương Bình Hiệp, phường Phú Thọ, Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một); kênh rạch nội đồng ở TX.Thuận An.

Hồ Dầu Tiếng được xây dựng từ năm 1981 và là công trình đầu mối cấp 1 thượng nguồn sông Sài Gòn. Dung tích chứa 1,58 tỷ m3 ở mực nước dâng bình thường (24,4m). Công trình do Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Bộ NN&PTNT) quản lý khai thác. Trong suốt hơn 25 năm vận hành và khai thác, công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng đã có những đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện môi trường cho những vùng hưởng lợi thuộc các tỉnh, thành Bình Dương, Tây Ninh, Long An và TP. Hồ Chí Minh.

- Bình Dương sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào trong trường hợp vỡ đập hồ Dầu Tiếng?

- Công trình đầu mối hồ Dầu Tiếng được thiết kế theo tiêu chuẩn của công trình cấp I (mức độ thiết kế an toàn nhất của công trình thủy lợi) với tần suất lũ thiết kế 0,1% (tương đương với chu kỳ lặp lại 1.000 năm) và tần suất lũ kiểm tra 0,02% (tương đương với chu kỳ lặp lại 5.000 năm). Theo kế hoạch được phê duyệt, mức độ ảnh hưởng đến tỉnh Bình Dương nếu sự cố vỡ đập hồ Dầu Tiếng xảy ra sẽ gây ra ngập úng nặng nhất là các xã, thị trấn gần đập như thị trấn Dầu Tiếng, xã Định Thành, Thanh An, Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng). Mức độ ảnh hưởng ngập úng giảm dần về phía hạ du và thời gian truyền lũ đến TP.Thủ Dầu Một khoảng 20 giờ 53 phút.

- Nếu sự cố trên xảy ra, Bình Dương sẽ có những phương án đối phó như thế nào?

- Để chủ động, hàng năm Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và Ban chỉ huy PCLB các tỉnh Tây Ninh, Long An, TP.Hồ Chí Minh kiểm tra mức độ an toàn công trình đầu mối hồ Dầu Tiếng trước mùa mưa lũ. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị về công tác PCLB. Củng cố kiện toàn Ban chỉ huy PCLB các cấp. Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án PCLB, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức kiểm tra việc thực hiện phương án của Ban chỉ huy PCLB các huyện, thị và thành phố. Cập nhật kịp thời diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa để thông báo kịp thời tình hình xả lũ hồ Dầu Tiếng cho các địa phương để có biện pháp tổ chức phòng chống, ứng phó kịp thời.

Nếu có sự cố vỡ đập Dầu Tiếng, Ban chỉ huy PCLB tỉnh sẽ xử lý thông tin kịp thời, phân công các thành viên xuống các địa phương trực tiếp chỉ đạo khẩn cấp thực hiện các phương án theo kế hoạch được duyệt như sơ tán dân cư, huy động nhân lực và các phương tiện, thiết bị để thực hiện công tác phòng chống, bảo đảm tối đa an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

- Xin cảm ơn bà!

Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã ký hợp đồng với Viện Thủy lợi và Môi trường (trường Đại học thủy lợi) thực hiện lập kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng và kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho hạ du hồ Dầu Tiếng. Theo đó, đã xây dựng các phương án sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp trên cơ sở các cấp xả lũ của hồ Dầu Tiếng từ 400m3/s đến 3.600m3/s và trường hợp vỡ đập Dầu Tiếng do động đất, vỡ đập do lũ vượt tính toán thiết kế (lũ PMF).

Theo phân cấp quản lý, Bình Dương quản lý 7 công trình hồ chứa thủy lợi. Các hồ chứa đều có dung tích nhỏ dưới 10 triệu m3, hạ lưu các hồ chứa là vùng trũng thấp, không có dân cư sinh sống, chỉ có đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, công trình do ngân sách tỉnh đầu tư gồm 5 hồ chứa (Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường quản lý 3 hồ; Trạm Thủy nông Tân Uyên quản lý 2 hồ). Công trình do doanh nghiệp đầu tư 2 hồ (Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa quản lý 1 hồ; Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hy quản lý 1 hồ). Ngoài ra, Bình Dương nằm dưới hạ du của 6 hồ chứa quốc gia gồm hồ Dầu Tiếng (dung tích 1,58 tỷ m3); hồ Trị An (dung tích 2,76 tỷ m3); hồ Thác Mơ (dung tích 1,36 tỷ m3); hồ Cần Đơn (dung tích 165,50 triệu m3); và hồ Srok Phu Miêng (dung tích 99,30 triệu m3); hồ Phước Hòa (dung tích 12,68 triệu m3).

CAO SƠN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên