Giao thông phát triển mạnh – Kỳ 1

Cập nhật: 29-07-2015 | 09:01:31

Kỳ 1: Giao thông nông thôn tạo dấu ấn

Xuất phát từ một tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đường sá đi lại khó khăn, đến nay Bình Dương đã trở thành địa phương phát triển năng động bậc nhất của cả nước. Để có được thành tựu đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, cụ thể là: “Phát huy nội lực kết hợp thu hút ngoại lực để phát triển kinh tế”. Trong thành tựu kinh tế Bình Dương đã đạt được có sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực giao thông.

 Ý Đảng hợp lòng dân

Năm 1997 Bình Dương được tách ra từ tỉnh Sông Bé, với diện tích 2.716,01km2, dân số trên 600.000 người. Thời điểm này kinh tế của Bình Dương phát triển chủ yếu ở các huyện phía nam do thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp. Trong khi đó các huyện phía bắc phần lớn dựa vào nông nghiệp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt hệ thống giao thông còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân. Thống kê của Sở Giao thông - Vận tải cho thấy, thời điểm này trên địa bàn Bình Dương chỉ có 1.823km đường giao thông nông thôn (GTNT) và 142 cây cầu với tổng chiều dài 1.649m.

Thi công công trình giao thông kết hợp CTĐT trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: D.CHÍ

Giải quyết những khó khăn nói trên, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/1998/CT-UB ngày 7-4-1998 về việc phát động phong trào làm đường GTNT - chỉnh trang đô thị (CTĐT). Thực hiện chỉ thị này là nhằm khơi dậy và khai thác tiềm năng sẵn có ở từng địa phương, chỉnh trang lại bộ mặt các đô thị cũ đã xuống cấp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn lẫn thành thị; đồng thời phát động phong trào toàn dân góp sức làm đường GTNT - CTĐT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Triển khai thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh, toàn tỉnh dấy lên phong trào làm đường GTNT, làm đường từ xã, phường đến các khu, ấp, đường liên ấp, đường ra nội đồng, đường hẻm trong các khu phố, thị trấn... Mặc dù gặp không ít khó khăn, trở ngại nhưng kết quả làm đường GTNT - CTĐT năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này đã khẳng định chủ trương của UBND tỉnh là đúng đắn, hợp với lòng dân. Nhờ đó, qua phong trào làm đường GTNT - CTĐT đã tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, thông suốt từ tỉnh đến huyện, xã, ấp, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đô thị, tạo tiền đề đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Chỉ tính trong năm 1998, năm đầu tiên phát động phong trào, toàn tỉnh đã thực hiện được 602 công trình GTNT - CTĐT với tổng chiều dài 427km. Trong đó nâng cấp, làm mới 524 công trình đường với chiều dài trên 420km; nâng cấp, sửa chữa 22 công trình cầu với chiều dài 313m và thực hiện 56 công trình CTĐT khác. Tổng kinh phí thực hiện các công trình là trên 6 tỷ đồng. Dẫn đầu là huyện Tân Uyên (trước đây) với 223 công trình, kế đến là huyện Thuận An 213 công trình, huyện Bến Cát 106 công trình và TX.Thủ Dầu Một 60 công trình.

Giao thông phát triển mạnh

Sau 10 năm thực hiện phong trào làm đường GTNT - CTĐT, toàn tỉnh đã có 6.265 công trình với tổng chiều dài các tuyến đường GTNT là 3.874km. Tổng kinh phí thực hiện trên 461 tỷ đồng.

Chủ trương, chính sách đúng đắn của Bình Dương trong phong trào làm đường GTNT - CTĐT đã tạo nên một diện mạo mới cho nông thôn tỉnh nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong việc thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nhiều nông dân đã chuyển từ chăn nuôi đơn lẻ sang chăn nuôi theo trang trại và hình thành nhiều mô hình sản xuất khác như mô hình VAC, AC; thay đổi phương tiện sản xuất từ thủ công sang máy móc, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất... Với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được phủ khắp từ thành thị đến nông thôn, từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã đã tạo điều kiện thuận lợi để Bình Dương thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Tổng kết 10 năm thực hiện phong trào GTNT - CTĐT (1998-2007), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Kim Vân, người trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình lúc đó, đã đúc kết: Phong trào GTNT - CTĐT đã góp phần hoàn thiện mạng lưới đường giao thông từ tỉnh đến xã, từ thành thị đến nông thôn; thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là nhân dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Để có được cơ sở hạ tầng như hôm nay, các địa phương trong tỉnh đã luôn phát huy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua đó kêu gọi, huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để làm đường GTNT. Thành quả nói trên đã đóng góp vào việc tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, tạo điều kiện cho những khu công nghiệp hiện đại mọc lên… giúp cho ngành kinh tế then chốt của tỉnh phát triển.

Động lực cho kinh tế phát triển

Tổng kết 10 năm (1998- 2007) thực hiện phong trào xây dựng GTNT - CTĐT, Cục Thống kê cho biết năm đầu tiên thực hiện phong trào, giá trị sản xuất nông nghiệp được gia tăng nhờ các công trình mang lại là trên 1,3 tỷ đồng, chỉ số phát triển chung của ngành nông nghiệp đạt 105,6% so với kế hoạch năm; năm 2006 giá trị gia tăng đạt 5,8 tỷ đồng và chỉ số phát triển chung của ngành nông nghiệp đạt trên 105% so với kế hoạch năm. Trên lĩnh vực công nghiệp, năm 1998 đã gián tiếp mang lại giá trị gia tăng của ngành là 6,5 tỷ đồng, chỉ số phát triển chung của ngành đạt 117,2% so với kế hoạch năm; năm 2002 giá trị gia tăng của ngành mang lại là 31,1 tỷ đồng, chỉ số phát triển chung của ngành đạt 140,2% so với kế hoạch năm và năm 2006 giá trị gia tăng của ngành mang lại là 112,4 tỷ đồng, chỉ số phát triển chung của ngành đạt 125,1% so với kế hoạch năm.

Nhận xét về ý nghĩa thiết thực của phong trào xây dựng GTNT - CTĐT với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 1998-2007, ông Đặng Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận An thời điểm đó, khẳng định nếu không có phong trào thì Thuận An không thể có hệ thống giao thông nối liền hữu ích từ đường tỉnh, đường huyện, đường xã đến xóm ấp như hiện nay. Nhờ phong trào mà việc đi lại của bà con thuận lợi, sản xuất, kinh doanh cũng dễ dàng, thuận tiện hơn. Còn ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An, thẳng thắn nhìn nhận nhờ phong trào GTNT - CTĐT mà đường giao thông trên địa bàn thị xã phát triển đồng bộ, sạch đẹp. Kết quả này là nền tảng cơ bản để địa phương tiếp tục phát triển theo hướng đô thị- công nghiệp - dịch vụ hiện đại.

 Điểm nổi bật được ghi nhận trong năm đầu (năm 1998) Bình Dương thực hiện phong trào làm đường GTNT - CTĐT là không có đền bù giải tỏa, bởi vì người dân rất muốn được mở đường, làm đường giúp việc đi lại của bà con được thuận lợi.

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên