Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Đi tìm tiếng nói chung

Cập nhật: 02-08-2019 | 09:40:17

Bài 2: Lương thấp, công nhân muốn làm thêm giờ

Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi quy định giờ làm thêm không quá 400 giờ trong một năm. Quy định này được đa số người lao động (NLĐ) đồng tình. Bởi với NLĐ không tăng ca đồng nghĩa với đồng lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, theo các cán bộ công đoàn (CBCĐ) thì làm thêm giờ sẽ vắt kiệt sức của NLĐ.

Bảo đảm cuộc sống cho NLĐ

Chia sẻ về dự thảo BLLĐ sửa đổi, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho rằng qua thực tiễn hoạt động công đoàn ở nơi có tới 1,2 triệu lao động, có thể khẳng định nhu cầu làm thêm giờ của NLĐ và chủ doanh nghiệp là có thực. Việc tăng giờ làm thêm là điều “cực chẳng đã” bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ... Song mấu chốt vấn đề là tiền lương của NLĐ hiện còn khá thấp, nếu không tăng giờ làm thêm thì NLĐ không bảo đảm được cuộc sống. Vì vậy, dù không có thời gian nghỉ ngơi, không có thể tái tạo sức lao động nhưng NLĐ cũng muốn làm thêm giờ.

Công nhân Công ty TNHH May mặc ATAGO, KCN Bàu Bàng trong giờ lao động. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Cùng quan điểm này, ông Mai Phú Hùng, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, nói: “Trước khi đến với buổi lấy ý kiến về dự thảo BLLĐ sửa đổi, tôi được hơn 12.000 công nhân gửi gắm. Công nhân của tôi nói rằng: Anh góp ý như thế nào để những người có trách nhiệm thấy rằng, vấn đề không phải là hạn chế mức tối đa ở làm thêm bao nhiêu giờ. Mà quan trọng là điều chỉnh tăng lương như thế nào để NLĐ đủ sống. Nếu NLĐ có thu nhập sống được, họ sẽ không muốn tăng ca đâu”. Ông Mai Phú Hùng cũng chia sẻ bản thân chủ doanh nghiệp cũng không muốn tăng ca. Bởi tăng ca chủ doanh nghiệp phải chi trả lương gấp đôi, chi phí tăng gấp đôi, chưa kể hiệu quả, năng suất thấp hơn giờ lao động bình thường. Tuy nhiên, do áp lực về đơn hàng buộc chủ doanh nghiệp phải cho NLĐ tăng ca.

Nhiều CBCĐ cũng chia sẻ, mấu chốt vấn đề không phải là việc tìm mọi cách tăng thời gian làm thêm giờ mà các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần có biện pháp để dần cải thiện, nâng tiền lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu cho NLĐ. Bởi, thực tế hiện nay có hơn 50% doanh nghiệp vượt giờ mà không kiểm soát được. Mức làm thêm giờ khoảng 576 giờ/năm. Trong khi đó, bữa ăn của công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) hiện nay có giá trị dinh dưỡng thấp, thiếu dinh dưỡng, cộng thêm môi trường làm việc lại chưa phải là tốt ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ, đặc biệt đối với lao động nữ sẽ suy kiệt. Vì thế, phải cân nhắc, cân đối để đưa ra mức nào đó để vừa giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp nhưng vừa bảo đảm được quyền lợi cũng như sức khỏe của NLĐ. Nếu lại tăng cao giới hạn thời gian làm thêm giờ thì cũng đồng nghĩa với việc tăng quỹ thời gian làm việc tối đa của NLĐ, như thế là đi ngược lại xu thế, trong khi thể trạng, sức khỏe của NLĐ Việt Nam cũng còn hạn chế.

Hiện nay, lương của NLĐ còn thấp nên để bảo đảm cuộc sống, họ không có cách nào khác là phải làm thêm giờ. Nếu lương đủ sống, không NLĐ nào lại muốn làm thêm giờ cả. Đó chính là vấn đề mấu chốt hiện nay. Vì vậy không quan trọng là quy định mức làm thêm giờ bao nhiêu mà phải giải quyết được vấn đề cốt lõi NLĐ đang cần. Đồng thời, NLĐ muốn làm thêm giờ như là tiền lương, vì vậy tính tiền lương làm thêm giờ phải tăng theo lũy tiến.

Quan tâm đến lao động nữ

Theo ý kiến của các CBCĐ, NLĐ thì hiện nay lao động nữ (LĐN) vẫn bị thiệt thòi. Vì vậy, làm sao bảo vệ quyền lợi cho LĐN tốt hơn là điều mà CBCĐ, LĐN mong muốn và được quy định bằng luật. Các CBCĐ cho rằng, ưu điểm của LĐN là siêng năng, tỉ mỉ, năng suất lao động có khi cao hơn lao động nam. Tuy nhiên, khi LĐN mang thai, có con nhỏ phần nào ảnh hưởng đến năng suất lao động, vì vậy nhiều người sử dụng lao động sẵn sàng tìm mọi lý do để chấm dứt hợp đồng với LĐN có con nhỏ khi hết hợp đồng.

Bà Mai Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Triumph International Việt Nam (KCN Sóng Thần I, TX.Dĩ An), chia sẻ: “Khi đến với buổi lấy ý kiến góp ý dự thảo BLLĐ sửa đổi, tôi được chị em gửi gắm: Phải làm sao để có quy định trong luật là không chấm dứt hợp đồng với LĐN đang mang thai hoặc có con nhỏ dưới 12 tháng khi mà họ hết hợp đồng. LĐN cần được quan tâm, chăm lo đúng mức”.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Đinh Thị Thoa, Công ty TNHH Tombow Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore 1), phân tích: “Theo BLLĐ năm 2012 thì người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với LĐN mang thai, nghỉ thai sản và nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ đối với các trường hợp: NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy định này rất mơ hồ, vì vậy trên thực tế có rất nhiều người sử dụng lao động căn cứ vào quy định này để sa thải LĐN đang mang thai hoặc có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Vì vậy, dự thảo BLLĐ sửa đổi lần này cần quy định vấn đề này chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi LĐN”.

Chị Thoa cũng cho rằng, hiện nay bảo hiểm xã hội quy định trong thời gian mang thai, LĐN được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai. Quy định này thiệt thòi cho LĐN. Bởi hiện nay, người phụ nữ mang thai phải khám thai ít nhất 9 lần. Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh ngay chế độ nghỉ khám thai cho phù hợp với LĐN. (còn tiếp)

THU THẢO

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm giờ làm việc chính thức xuống còn 40 - 44 giờ/tuần, bởi cán bộ, công chức hiện nay đang làm việc 40 giờ/tuần. Giảm giờ làm việc chính thức để NLĐ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động; đồng thời sẽ có thu nhập cao hơn nếu làm thêm giờ.

“Tôi không muốn làm ít giờ”

Nổi lên trong số đông ý kiến tại buổi lấy ý kiến dự thảo BLLĐ sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp tổ chức, ý kiến của nữ công nhân Huỳnh Thị Kim Chi (Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc, TX.Tân Uyên) khiến mọi người tham dự ai cũng phải suy nghĩ: “Tôi không muốn làm ít giờ. Tôi muốn tăng ca. Sức tôi còn trẻ, tăng ca bao nhiêu cũng được. Tăng ca để tôi có tiền nuôi hai đứa con thơ dại và cha mẹ già yếu”. Chị Huỳnh Thị Kim Chi chia sẻ, hai vợ chồng chị ở Kiên Giang lên Bình Dương làm công nhân. Đồng lương tính luôn tăng ca khoảng 6,5 triệu đồng/người. Số tiền này chị phải thuê nhà trọ, gửi về quê nuôi hai đứa con và ba mẹ chồng già yếu. Vợ chồng chị phải chi tiêu thật dè xẻn mới đủ đắp đổi cuộc sống. Chị không muốn xa con, nhưng không có cách nào hơn khi công ty không có nhà trẻ. Cho con học bên ngoài thì khi hai vợ chồng tăng ca không ai đưa rước. Vợ chồng chị đành “bấm bụng” để con ở lại quê cho ông bà nội trông nom...

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên