Hàng ngàn lao động đã nhận tiền hỗ trợ từ các cấp công đoàn

Cập nhật: 18-07-2021 | 11:32:05

Từ đầu đợt dịch Covid-19 thứ tư đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hơn 120 doanh nghiệp đã dừng hoạt động sản xuất, khiến đời sống của hàng ngàn công nhân lao động (CNLĐ) gặp khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã có nhiều phương án giúp người lao động (NLĐ). Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh về việc chăm lo đời sống NLĐ.

- Xin bà khái quát tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đến DN, NLĐ trên địa bàn đến thời điểm này?

- Tính đến 18 giờ ngày 16-7, qua cập nhật báo cáo chưa đầy đủ từ các cấp công đoàn, trên địa bàn tỉnh có 502 đơn vị, DN với hơn 51.910 CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (tăng 13 DN và tăng 3.625 lao động so với ngày 15-7). Đối tượng F0 có 1.277 CNLĐ, tăng 41 người (trong đó có 5 DN chưa có Công đoàn cơ sở, với tổng số 39 trường hợp F0); đối tượng F1 là 10.765 CNLĐ (tăng 1.359 người); đối tượng F2 cách ly tại nhà theo yêu cầu của các cấp chính quyền là 24.840 CNLĐ (tăng 3.323 người); số lao động nằm trong khu vực đang phong tỏa là 24.840 người (giảm 1.098 người). 

Số DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải ngừng hoạt động để tập trung phòng, chống dịch hoặc thu hẹp sản xuất là 121 đơn vị (106.225 đoàn viên công đoàn/117.092 CNLĐ) với 56.295 CNLĐ phải ngừng việc. 

- Trước ảnh hưởng trong đợt dịch Covid-19 thứ tư này, LĐLĐ tỉnh đã có những hoạt động chăm lo như thế nào, thưa bà?

- Đến nay, tổng số CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ từ ngân sách công đoàn là 2.238 trường hợp, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng. Cụ thể, đối tượng F0 là 520 CNLĐ, với tổng số tiền hỗ trợ 1 tỷ 560 triệu đồng (mức chi hỗ trợ 3 triệu đồng/trường hợp); đối tượng F1 là 658 CNLĐ, với tổng số tiền hỗ trợ 987,5 triệu đồng (mức chi hỗ trợ 1,5 triệu đồng/trường hợp); đối tượng F2 và chi hỗ trợ CNLĐ nằm trong các khu vực phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là 1.060 CNLĐ, với tổng số tiền hỗ trợ 530 triệu đồng (mức chi hỗ trợ 500.000 đồng/trường hợp).

Bên cạnh trao hỗ trợ cho các trường hợp CNLĐ bị ảnh hưởng trực tiếp, LĐLĐ tỉnh còn vận động các nguồn chăm lo lực lượng tuyến đầu phòng, chống Covid-19

Tuy nhiên, hiện nay việc chi hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn chậm tiến độ, tỷ lệ đạt thấp so với tổng số CNLĐ bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là do Ban Chấp hành công đoàn cơ sở (CĐCS) và toàn bộ công nhân ở một số công ty bị yêu cầu cách ly tập trung, dẫn đến khó khăn trong việc lập danh sách, rà soát, xét duyệt đối tượng đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng để chi hỗ trợ. Bên cạnh đó, hồ sơ để xác nhận các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ do CĐCS gửi lên chưa đầy đủ theo hướng dẫn, quy định; nhiều CNLĐ còn đang ở trong các khu cách ly và khu vực phong tỏa nên khó khăn trong việc tiếp cận, mặc dù đã linh động phối hợp với CĐCS để chi hỗ trợ theo hình thức chuyển khoản đến tài khoản cá nhân của đoàn viên, NLĐ nhưng hồ sơ đề nghị từ phía CĐCS còn chậm.

Các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các đơn vị tuyến đầu phòng, chống dịch là 48 đơn vị, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, chi từ ngân sách công đoàn khoảng 706 triệu đồng và từ nguồn vốn vận động xã hội hóa hơn 1 tỷ đồng, cùng nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu kịp thời hỗ trợ các khu cách ly và những địa phương có khu vực phong tỏa. Đến ngày 16-7, tổng chi hỗ trợ từ ngân sách công đoàn là hơn 3,7 tỷ đồng.

Với những lao động ảnh hưởng gián tiếp như nhà máy ngừng hoạt động, mất việc do ảnh hưởng dịch bệnh, LĐLĐ tỉnh nhanh chóng cập nhật số liệu gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chi hỗ trợ theo Quyết định 68 của Chính phủ.

- UBND tỉnh đã có quyết định sau ngày 19-7, nếu DN nào không thực hiện xong phương án “3 tại chỗ” trong phòng, chống dịch Covid-19 sẽ ngừng sản xuất. Xin bà cho biết thêm về vấn đề này?

- Cả tuần qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai việc này đến DN, khi thấy tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, khi chưa có quyết định ngày, giờ cụ thể, nhiều DN còn chủ quan, chưa thực hiện quyết liệt. Hiện các DN đang chạy đua thực hiện việc này. Cũng có nhiều DN chủ động cho CNLD nghỉ việc chờ khi dịch lắng xuống mới sản xuất lại. 

Hiện nay, số DN đã tổ chức, bố trí cho công nhân ở lại làm việc theo phương án “3 tại chỗ” là 144 đơn vị (61.410 đoàn viên/71.775 CNLĐ) với 19.923 CNLĐ đăng ký ở lại DN (tăng 1 DN và tăng 300 lao động so với ngày 15-7). Khi công nhân ở lại làm việc tại nhà máy, các DN sẽ bao ăn, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết và một số đơn vị còn chi hỗ trợ phụ cấp thêm, trung bình từ 1 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Số DN thực hiện xong phương án “3 tại chỗ” đang tăng lên rất nhiều, chúng tôi tiếp tục cập nhật.

    P.V: Xin cảm ơn bà!

    Quang Tám (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên