Hỏi đáp Chính sách Lao động - Việc làm

Cập nhật: 01-03-2017 | 07:48:49

 Hỏi: Tôi sinh năm 1964 tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 9-1983, tôi muốn nghỉ hưu trước tuổi vào tháng 10-2017. Xin hỏi cách tính hệ số lương bình quân vì trường hợp của tôi từ ngày 1-1-2016 chuyển đổi lương do doanh nghiệp trả (công ty cổ phần), còn trước đó theo hệ số lương của Nhà nước.

Trả lời: Theo thông tin bà cung cấp thì tiền lương tham gia BHXH của bà thuộc diện người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Cách tính tiền lương bình quân làm căn cứ tính lương hưu của đối tượng này thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật BHXH năm 2014, theo đó người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại Khoản 1 điều này.

Hỏi: Tính đến năm 2016, cha tôi 53 tuổi, đóng BHXH được 35 năm, có nguyện vọng nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe. Vậy, cha tôi có được nghỉ hưởng chế độ hưu do suy giảm khả năng lao động 61% không?

Trả lời: Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 55 Luật BHXH năm 2014 thì “người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 54 của luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Từ ngày 1-1-2016 nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên”.

Đối chiếu với quy định nêu trên, năm 2016, cha của bà 53 tuổi, đóng BHXH đủ 35 năm (nếu chỉ làm việc trong điều kiện lao động bình thường) mà được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu. Về thủ tục, hồ sơ đi giám định mức suy giảm khả năng lao động được quy định tại Điều 8 Thông tư số 14/2016/ TT-BYT ngày 12-5-2016 của Bộ Y tế.

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên