Khi nào nên sinh mổ?

Cập nhật: 14-03-2013 | 00:00:00
Để việc sinh con được diễn ra nhanh chóng và chủ động, hiện nay nhiều sản phụ yêu cầu được sinh mổ hay gọi là mổ lấy thai (MLT). Vậy thật ra MLT có an toàn không?

 Bác sĩ Phan Thị Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, MLT là mổ lấy thai nhi sống hoặc chết qua đường mở bụng và tử cung, là một phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất hiện nay. Khi MLT, bác sĩ nào cũng muốn an toàn cho sản phụ cả, nhưng MLT phải đúng chỉ định, nếu có chỉ định MLT rộng rãi không tránh khỏi một số tai biến sản khoa cho cả mẹ và con.    Vì sức khỏe cho mẹ và con, cần có sự hợp tác giữa thai phụ và gia đình với bác sĩ, đồng thời nên thực hiện theo các chỉ định của bác sĩ. Trong ảnh: Bác sĩ đang khám cho một thai phụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

MLT có những tai biến và hệ lụy gì?

Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ được sinh ra bằng sinh mổ chủ động trước 39 tuần có nhiều khả năng gặp vấn đề về hô hấp hơn so với những em bé được sinh thường hoặc sinh mổ cấp cứu. Những em bé sinh mổ từ tuần thứ 37 - 39 có nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp cao gấp 2 - 4 lần so với những bé sinh ra sau tuần 39. Thai còn non mà mổ ra

 may mắn không có gì thì không sao, nhưng cũng có những nguy cơ của thai non tháng như: nếu hô hấp bé không tốt thì dễ bị suy hô hấp, dễ bị nhiễm trùng do sức đề kháng kém hơn những bé đủ tháng. Bé non tháng có nhiều biến chứng như bệnh võng mạc sơ sinh, xẹp phổi... Bệnh võng mạc sơ sinh gây mù ở trẻ non tháng, nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ bị mù.

Bác sĩ Hòa cho hay, nhiều người cho rằng MLT là an toàn tuyệt đối. Thực tế cho thấy tai biến có thể xảy ra cho mẹ như tổn thương bọng đái, ruột, chảy máu do tử cung không co, nhiễm trùng… Ngoài ra có thể tổn thương thai nhi như chạm thương thai đối với các trường hợp thai ngang, bé có thể ngạt do hít ối hoặc các trường hợp ngôi thai bất thường hoặc tai biến do gây mê và ảnh hưởng tương lai sản khoa như dễ có nguy cơ viêm dính, hạn chế lần sinh, thai ngoài tử cung ở vết mổ cũ… và cũng có thể vỡ tử cung lần thai sau. Nếu trong trường hợp xử trí không kịp thời có thể dẫn tới tử vong mẹ và con. Ngoài ra, trong trường hợp MLT, mẹ sẽ đau nhiều hơn, tốn kém hơn, thời gian nằm viện lâu hơn, chi phí nằm viện cao hơn…

MLT trong trường hợp nào?

Bác sĩ Hòa cho biết, MLT trong các trường hợp như: chảy máu nhau tiền đạo, nhau bong non, thai suy, ngôi ngang, ngôi mông, có vết mổ cũ trên tử cung. Như vậy MLT thường để giải quyết những trường hợp sinh khó không sinh được đường ngã âm đạo. Có thể có một vài tai biến khi mổ như do gây mê. Vậy không nên chỉ định quá chậm hay quá sớm, tránh những trường hợp MLT không cần thiết nhưng không do dự mà gây thiệt hại cho mẹ và con.

Trong lúc chuyển dạ, do đau đớn nhiều nên sản phụ thường muốn mổ để cuộc sinh chấm dứt sớm hơn. Nhưng với sự tiến bộ của gây mê hồi sức, giảm đau sản khoa có thể khắc phục được những cơn đau đẻ, giúp bà mẹ bình tĩnh chờ đợi sự ra đời của đứa con một cách tự nhiên nếu không có những trở ngại gì khác. Thế nhưng gần đây tỷ lệ sinh mổ ngày càng gia tăng trong và ngoài nước, do sự tiến bộ của kỹ thuật gây mê hồi sức tốt, kỹ thuật mổ cũng nhanh chóng góp phần an toàn hơn cho mẹ và con. Hơn nữa, hiện nay vì không muốn sinh nhiều, chuộng thẩm mỹ, sợ đau… đã làm cho người sản phụ thích sinh mổ hơn là sinh ngã âm đạo.

MLT không phải là một phẫu thuật an toàn tuyệt đối mà vẫn có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho mẹ và con. Vì sức khỏe cho mẹ và con, cần có sự hợp tác giữa thai phụ và gia đình với bác sĩ, đồng thời nên thực hiện theo các chỉ định của bác sĩ. Hãy lựa chọn phương pháp sinh phù hợp cho từng đối tượng, từng hoàn cảnh để có được kết quả mỹ mãn nhất.

T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên