Kinh doanh qua mạng: Quản lý ra sao? - Kỳ 1

Cập nhật: 17-11-2017 | 08:14:12

Kỳ 1: Nở rộ bán hàng online

 Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh qua mạng phát triển mạnh mẽ, với xu hướng ngày càng chuyên nghiệp và ổn định hơn.

 Kinh doanh online ngày càng chuyên nghiệp

Khởi đầu từ việc tranh thủ lúc nhàn rỗi, tiết kiệm chi phí…, nay bán hàng qua mạng đang được nhiều người kinh doanh lựa chọn. K.A, sinh viên khoa Kinh tế trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết trước đây hầu hết trong nhóm bạn của A đều tham gia bán hàng online, nhưng đến nay chỉ còn mình bạn trụ lại được. Theo A, muốn kinh doanh online, ngoài việc chất lượng sản phẩm tốt thì cần nhất là khâu chăm sóc, chiều lòng khách hàng. Trải qua nhiều khó khăn, hiện nay lượng khách trên fanpage, facebook, zalo cá nhân của A khá ổn định. Mặt hàng A kinh doanh là quần áo; khách hàng chủ yếu là sinh viên.

 Hình ảnh tên một facebook bán hàng xách tay có khá đông khách hàng tại Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY

Theo tìm hiểu, một đơn hàng online cần có sự thỏa thuận rõ ràng, hợp lý đến từ người bán và người mua, để quá trình mua bán thuận lợi, tạo sự thoải mái cho hai phía. Muốn đạt được điều đó, không chỉ người bán hàng online cần kinh doanh những mặt hàng uy tín, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đúng với lời giới thiệu trên mạng, mà người mua cũng phải có thiện chí, đặt niềm tin vào người bán hàng và có kinh nghiệm mua hàng online. Hiện người kinh doanh online ngày càng chuyên nghiệp hơn, với nhiều kỹ năng quảng bá sản phẩm, giới thiệu mã hàng. Lướt qua các face, zalo cho thấy không hiếm thông tin tuyển dụng nhân viên chăm sóc khách hàng qua mạng…

Đối với thị trường bất động sản tại Bình Dương, hình thức mua bán online đang thịnh hành. Các “cò” đất lập nhiều fanpage, zalo, facebook và có sự liên kết với nhau trong việc chăm sóc, tìm kiếm khách hàng. Theo chị Mai (TP.Thủ Dầu Một), nhân viên kinh doanh bất động sản, việc liên kết này sẽ giúp khâu bán hàng chuyên nghiệp khi ổn định nguồn cung, tìm kiếm được nhiều khách hàng và bất cứ lúc nào cũng có người đưa khách đi xem đất. Lẽ dĩ nhiên, “hoa hồng” sẽ chia đều trong nhóm khi giao dịch thành công.

Nhu cầu mua hàng online tăng

Tại Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017, ông Chaitanya Reddy, Giám đốc nghiên cứu Công ty TNS Việt Nam, cho biết hiện nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ. Nếu như trước đây mua sắm thường diễn ra chủ yếu tại các chợ truyền thống, siêu thị, thì nay đang chuyển sang hình thức mua hàng online.

Đưa ra nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ trực tuyến trong thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với sự lan tỏa và số lượng người dùng mạng xã hội ngày càng nhiều, các tương tác qua mạng xã hội ngày càng phổ biến thì việc người tiêu dùng Việt Nam tiến hành giao dịch, mua bán trực tuyến trên mạng xã hội sẽ có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Thêm vào đó, sự phổ biến của các thiết bị di động thông minh tại Việt Nam khiến cho số lượng người tiêu dùng ngày càng phát triển, nhất là tại các tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh như Bình Dương…

Trong một báo cáo nghiên cứu mới đây của Công ty CBRE Việt Nam, dựa trên nghiên cứu khảo sát 1.000 người tiêu dùng trong nước từ độ tuổi 18 đến 64, ở hai trung tâm kinh tế lớn là TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, cho thấy 25% số người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm ít hơn tại cửa hàng thực tế, trong khi 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng thường xuyên hơn trong tương lai. Lý giải về vấn đề này, chị Oanh (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một), cho biết do công việc của chị phần lớn thời gian đều ở công ty, tranh thủ giờ nghỉ trưa chị lướt face, zalo để tìm kiếm các mặt hàng cần thiết cho gia đình. Thay vì phải xếp hàng thanh toán tại các siêu thị, trung tâm mua sắm vào mỗi cuối tuần thì chị thanh toán qua Mobile Banking hay Internet Banking.

Nắm bắt được xu thế của khách hàng, nhiều cửa hàng tại Bình Dương đã lập facebook, fanpage để giới thiệu sản phẩm, giao hàng tận nơi. Hiện nay, người tiêu dùng rất quan tâm đến sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đòi hỏi cao hơn về tiêu chí chất lượng, sạch, không hóa chất và thân thiện với môi trường. Chính vì thế, các cửa hàng trên địa bàn đang có nhiều nỗ lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng.

Đối với các sản phẩm gia dụng, sữa, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, hiện khách hàng đang chuộng những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài như Mỹ, Pháp, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp mua phải hàng kém chất lượng “đội lốt” hàng xách tay từ các trang mạng. Theo các cơ quan quản lý, những sản phẩm này hiện đang được cảnh báo về tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng “đội lốt” tràn lan. Người tiêu dùng cần tỉnh táo và có sự lựa chọn để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Kỳ 2: Cần quản lý hiệu quả

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên