Bình Dương khai thác lợi thế từ các nền kinh tế APEC - Bài 4

Cập nhật: 03-11-2017 | 09:00:09

Bài 4: Cơ hội lớn cho xuất khẩu

 

 Trong những năm qua, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, gỗ... có sự tăng trưởng mạnh là nhờ khai thác hiệu quả những thị trường lớn của các nền kinh tế APEC. Qua đó, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã củng cố nội lực, phát triển mạnh mẽ để dần gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Các nền kinh tế APEC là thị trường xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương. Trong ảnh: Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH Quốc Tế Chutex (Khu công nghiệp Sóng Thần II). Ảnh: XUÂN THI

 Thị trường chủ lực

Trong 9 tháng năm 2017, Việt Nam đã có 8 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trên 1 tỷ USD. Dẫn đầu là dệt may, với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,25 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 30% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ. Đây cũng là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ đạt 11,45 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Trong khi đó, giày dép xuất khẩu sang Mỹ 9 tháng năm 2017 đạt 3,76 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 12% tổng trị giá hàng hóa Việt Nam sang Mỹ. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), khẳng định tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may hầu hết là nhờ vào thị trường chính thuộc các nền kinh tế APEC, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Năm 2016, trong số tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt 175,9 tỷ USD thì 4 thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã đóng góp tới 86 tỷ USD. Cụ thể, thị trường Mỹ 38,1 tỷ USD, tăng 10%; Nhật Bản 14,6 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc 11,5 tỷ USD, tăng 29% so với năm trước và Trung Quốc đạt 21,8 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, APEC với 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 59% dân số, hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu là thị trường rộng lớn và tiềm năng để các DN Việt Nam tiếp cận và khai thác. Các nền kinh tế APEC hiện chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Cũng theo thống kê của Bộ Công thương, trong số 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết có đến 18 hiệp định ký kết với các nền kinh tế thành viên APEC. 7 nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong tốp 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, lần lượt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia và Singapore.

Đối với DN tại Bình Dương, thị trường các nền kinh tế APEC chiếm tỷ trọng lớn về kim ngạch xuất khẩu. Hầu hết xuất khẩu hàng hóa của các DN trên địa bàn tập trung vào một số thị trường lớn trong APEC như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Chỉ tính trong 10 tháng năm 2017, các DN tại Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thuộc APEC, đóng góp to lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt xấp xỉ 24 tỷ USD trong 10 tháng qua.

Nguồn lực lớn cho DN phát triển

Xu hướng thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại trong APEC đã mở ra nhiều cơ hội to lớn cho cộng đồng DN Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa. Đây là nhóm DN chủ yếu của Bình Dương hiện nay. Theo nhiều chuyên gia, thực tế những năm qua cho thấy cộng đồng DN Việt Nam nói chung và DN Bình Dương nói riêng đã và đang tận dụng tương đối hiệu quả cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường châu Á - Thái Bình Dương mang lại từ hợp tác trong APEC, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nền kinh tế thành viên không ngừng tăng lên, từ 98,37 tỷ USD năm 2014 tăng lên trên 119,69 tỷ USD trong năm 2016.

Đối với Bình Dương, 9 tháng năm 2017, hoạt động xuất khẩu chung của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ năm 2016, với kim ngạch đạt 20,4 tỷ USD, tăng 17,3% so cùng kỳ và đạt 72,6% so với kế hoạch năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả tỉnh. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản xuất khẩu như cà phê, hạt tiêu, hạt điều đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào các thị trường chủ lực trong APEC như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, để khai thác tốt thị trường APEC, Bình Dương cần có những giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong đó, ngoài sự nỗ lực cải tiến công nghệ, tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm của cộng đồng DN, rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức của các cơ quan quản lý nhà nước. Nói cách khác, để lĩnh vực xuất khẩu phát triển bền vững đòi hỏi Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng phải có giải pháp bền vững hơn về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; trong đó cần chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu, đồng thời chú trọng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây cũng là những định hướng chung mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra và thực hiện trong suốt thời gian mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư uy tín, hiệu quả đến sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Qua đó, các DN trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nguồn lực tốt từ cơ chế, chính sách thông thoáng để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên APEC nói riêng và thế giới nói chung. (còn tiếp)

 

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thành viên APEC liên tục tăng

Theo thống kê, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nền kinh tế thành viên APEC liên tục tăng trong giai đoạn 2012-2016. Qua đó, Việt Nam dần vươn lên trở thành một trong những quốc gia cung ứng hàng hóa lớn trong khối và có tốc độ phát triển rất ổn định. Trong số các thành viên APEC, Hoa Kỳ hiện đang là thị trường đứng đầu về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, năm 2016 đạt 43,77 tỷ USD, chiếm 20,4% giá trị xuất khẩu của Việt Nam; đứng thứ 2 là Trung Quốc, kim ngạch đạt 37,17 tỷ USD, chiếm 17,3%; Nhật Bản đứng thứ 3, đạt 16,24 tỷ USD, chiếm 7,6%. Các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang APEC gồm hàng điện tử, giày dép, dệt may, đồ nội thất.

Từ năm 2012 đến nay, kim ngạch nhập khẩu từ các thành viên APEC của thế giới luôn đạt trên 7.000 tỷ USD. Với 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 59% dân số, 50% lãnh thổ, hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu và chiếm khoảng 53% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới, APEC là thị trường rộng lớn và tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và mở rộng xuất khẩu.

 MINH NGUYỄN

 

 

 MINH NGUYỄN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên