Tăng cường thu hút đầu tư để phục vụ nhu cầu phát triển

Cập nhật: 30-06-2016 | 08:14:11

Điểm lại tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2016 có thể thấy, Bình Dương tiếp tục là một trong những địa phương thu hút được nhiều vốn FDI của cả nước, với gần 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường thu hút vốn FDI nhiều hơn nữa.

 Trong 6 tháng qua, thu hút vốn FDI của tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng cao. Trong ảnh: Ông Trần Văn Nam (thứ sáu từ phải qua), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Thanh Liêm (thứ ba từ trái qua), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư đợt 1, đầu tháng 3-2016 cho các doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN THI

 Vốn FDI tiếp tục tăng cao

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, năm 2015 là một năm rất thành công trong công tác mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài của tỉnh Bình Dương. Năm qua, toàn tỉnh đã thu hút được gần 3,3 tỷ USD vốn FDI, đạt 328% kế hoạch đề ra, bao gồm cấp mới 216 dự án với tổng vốn đầu tư 2,36 tỷ USD và 145 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 928 triệu USD. Trong đó, các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã thu hút hơn 3 tỷ USD vốn FDI.

Sự thành công của năm 2015 cho thấy triển vọng tăng tốc thu hút đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển của Bình Dương trong những năm tiếp theo, trong bối cảnh Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ký kết ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tính từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được gần 1,1 tỷ USD vốn FDI; trong đó có 113 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư hơn 731 triệu USD và 64 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm khoảng 367 triệu USD. Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, thu hút vốn FDI của Bình Dương đã đạt 78,39% kế hoạch năm, cao hơn 8,33% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 6 tháng qua, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của nhà đầu tư nước ngoài với 99 dự án đầu tư đăng ký mới; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm cho lĩnh vực này là hơn 1 tỷ USD. Đáng chú ý, lĩnh vực dịch vụ đã thu hút được 14 dự án đầu tư với số vốn cấp mới và tăng thêm là 83,64 triệu USD, chiếm 7,62% tổng vốn FDI được đăng ký.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho biết phần lớn các dự án FDI trên địa bàn tỉnh được bố trí vào các KCN hoặc cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Việc thu hút nguồn vốn vào các KCN trong 6 tháng qua tiếp tục gây ấn tượng với tổng vốn đầu tư mới lên đến hơn 690 triệu USD và nguồn vốn tăng thêm là hơn 256 triệu USD. Như vậy, đầu tư vào các KCN chiếm đến 86,3% tổng vốn FDI vào tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay.

Tăng cường mời gọi đầu tư

Từ đầu năm đến nay, đã có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương. Trong đó, các nhà đầu tư Singapore dẫn đầu với 7 dự án mới và 8 lượt dự án tăng vốn đầu tư với số vốn là 360 triệu USD; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với số vốn 85 triệu USD. Tính đến ngày 15- 6, Bình Dương có 2.700 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 24,7 tỷ USD; trong đó đầu tư vào các KCN là 1.625 dự án với tổng vốn đầu tư là 16,3 tỷ USD.

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã thu hút được các dự án đầu tư lớn, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của địa phương và quy hoạch phát triển công nghiệp mà Chính phủ đã phê duyệt. Riêng trong 6 tháng đầu năm, đã có những dự án quy mô đầu tư vào tỉnh như: Dự án thành lập nhà máy Uniben của Công ty CP Uniben (Singapore) chế biến và bảo quản rau quả, đóng hộp với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD tại TX.Tân Uyên; dự án thành lập Công ty TNHH HCM Coffee của Fovoline Global Trading Pte.Ltd, sản xuất và chế biến các loại cà phê với tổng vốn đầu tư 88 triệu USD tại TX.Tân Uyên…

Đến nay, đã có 49 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh; trong đó xuất hiện ngày càng nhiều hơn các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực tài chính và công nghệ. Nhật Bản dẫn đầu các nhà đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,1 tỷ USD. Tiếp theo là lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với 5,086 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ ba với 2,25 tỷ USD vốn đầu tư… Đáng chú ý, phần lớn các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đều được bố trí vào các KCN hoặc cụm quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp theo đúng kế hoạch đề ra.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút thành công nguồn vốn FDI phục vụ nhu cầu phát triển, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đồng thời đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến đầu tư các thị trường trọng điểm. Tỉnh nhà cũng sẽ tăng cường cải cách hành chính; rà soát, triển khai chuẩn hóa dữ liệu và đồng bộ thông tin doanh nghiệp…

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai chủ trương, quan điểm của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp; kịp thời giải quyết những kiến nghị, vướng mắc để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, điện, cấp nước, xử lý môi trường...; tiến hành mở rộng các KCN nhằm tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh. Địa phương cũng sẽ triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đáp ứng đầy đủ nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh...

 Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa công bố tình hình thu hút vốn FDI toàn quốc trong 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong cả nước đạt 11,284 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó có 1.145 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký là 7,497 tỷ USD và 535 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,787 tỷ USD.

Trong 6 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 488 dự án đầu tư đăng ký mới và 405 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 8,06 tỷ USD. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ đứng thứ 3 với 562,3 triệu USD…

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 22 dự án cấp mới và 17 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,742 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,63 tỷ USD, chiếm 14,45%. Tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là gần 1,1 tỷ USD và 928,9 triệu USD.

MINH NGUYỄN

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên