Lồng ruột cấp ở trẻ em

Cập nhật: 04-12-2018 | 08:36:35

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Khá nhiều trường hợp trẻ bị lồng ruột được phát hiện kịp thời qua thăm khám lâm sàng và siêu âm bụng khi nghi ngờ trẻ bị lồng ruột. Đau bụng cấp tính và ói nhiều lần ở trẻ em, có thể kèm theo triệu chứng đi tiêu phân có máu lẫn nhầy... là các biểu hiện ở trẻ bị lồng ruột.

Lồng ruột cấp là tình trạng một đoạn ruột chui vào một đoạn ruột kế cận, gây nên tắc ruột cấp tính. Trẻ bị lồng ruột thường có những triệu chứng: Khóc thét từng cơn do đau bụng, bỏ bú, bỏ ăn. Tiếp theo, trẻ nôn ói nhiều, lúc đầu là nôn ra thức ăn, sau đó chuyển qua nước màu vàng hoặc xanh. Trẻ đi cầu ra nhầy, máu sau cơn đau bụng khoảng 6 - 12 giờ. Dấu hiệu này rất dễ nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ.

Lồng ruột ở trẻ nhỏ có thể tự phát, chiếm khoảng 75 - 90% số ca lồng ruột (lồng ruột không tìm thấy nguyên nhân). Ngoài ra, lồng ruột còn có một số nguyên nhân thực thể sau: Trẻ mắc một số bệnh trong ruột như u máu trong lòng ruột, hoặc các u ác tính; trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp; đột ngột đổi loại sữa trẻ đang dùng làm cho nhu động ruột bất ngờ bị biến đổi, dễ gây ra bệnh lồng ruột.

Siêu âm là lựa chọn đầu tiên của bác sĩ khi khám lâm sàng nghi ngờ trẻ bị lồng ruột. Khi siêu âm bụng, bác sĩ sẽ thấy hình ảnh khối lồng. Khi thấy con mình có những triệu chứng trên, các bậc cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế sớm để được thăm khám, siêu âm phát hiện, điều trị kịp thời để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

H.TH (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên