Mã độc đe dọa gần nửa số máy tính tại Việt Nam

Cập nhật: 26-05-2014 | 00:00:00
Nghiên cứu bảo mật SIR v16 do bộ phận Microsoft Trustworthy Computing (TwC) phát hành mới đây cho thấy Việt Nam nằm trong năm quốc gia có tỉ lệ máy tính bị mã độc đe dọa cao nhất thế giới năm 2013, chiếm tỉ lệ 49,22% của ít nhất 100.000 máy tính được Microsoft khảo sát.

Các loại mã độc chủ yếu gồm Trojan (23%), sâu máy tính (Worm, 17,5%) và Downloader (13,9%). Đáng chú ý, cứ 1.000 website Việt có 10 website lừa đảo và gần 36 website chứa mã độc lây nhiễm cho người truy cập. Các tỉ lệ này luôn cao hơn tỉ lệ trung bình của thế giới.

  Ông Tim Rains, giám đốc Microsoft Trustworthy Computing - Ảnh: T.Trực

Giám đốc bộ phận an ninh mạng và bảo mật máy tính Microsoft TwC, ông Tim Rains, chia sẻ: “Báo cáo thể hiện rõ xu hướng hoạt động của tội phạm mạng chuyển từ khai thác lỗi và lỗ hổng phần mềm sang các chiêu thức lừa nạn nhân tải mã độc, phần mềm độc hại (tăng gấp ba lần) tại 105/110 quốc gia khảo sát. Chúng ngụy tạo một lớp vỏ bọc hoàn hảo như chương trình bảo mật cho máy tính hay cho trình duyệt web, hoặc các phần mềm, phim và nhạc số thường được nhiều người tải dùng lậu (download). Ngoài ra, thật nguy hiểm vì khi đã lây nhiễm vào máy tính, chúng ẩn mình ít gây ra điều gì khiến người dùng nghi ngờ trong một thời gian. Nạn nhân không hề hay biết cho đến khi chủ nhân mã độc bắt đầu ra lệnh từ xa cho chúng thu hoạch và đem lợi ích trở về”.

Nhận định về thông tin trên, ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho biết số lượng người dùng Internet và mạng xã hội tại VN tăng mạnh các năm qua, nhưng tư duy và nhận thức về bảo mật dữ liệu, thông tin riêng tư còn rất kém dẫn đến tình trạng VN trở thành một trong những thị trường béo bở cho tội phạm mạng và mã độc.

Ngoài ra, theo chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Hồng Phúc, thói quen thích dùng lậu, bẻ khóa (crack) phần mềm bản quyền của người tiêu dùng VN tạo ra nguy cơ lây nhiễm mã độc rất lớn.

“Hiện nay vẫn còn nhiều công ty bán lẻ máy tính cài đặt nhanh cùng lúc cho nhiều máy tính mới bằng cách dùng Ghost (một bản sao hệ điều hành cài sẵn). Tuy nhiên, các bản Ghost này thường chứa phần mềm lậu, đồng thời chứa luôn các loại mã độc đi kèm trong đó, mà hầu hết được nhúng có chủ đích trước khi chia sẻ lên mạng cho mọi người tải về dùng miễn phí” - ông Phúc nói.

6 bước cơ bản bảo vệ máy tính

Theo ông Tim Rains, mã độc thâm nhập máy tính chủ yếu qua ba phương thức: email, lướt web và từ các ổ lưu trữ USB. Dưới đây là sáu bước cơ bản bảo vệ máy tính cần nhớ:

1. Sử dụng phiên bản mới của phần mềm.

2. Luôn cập nhật phần mềm. Các phiên bản mới ngoài việc đem đến chức năng mới, chúng còn được khắc phục các lỗ hổng, có khả năng bảo mật tốt hơn.

3. Tải từ nguồn đáng tin cậy. Yếu tố thứ ba được nhấn mạnh, đặc biệt đối với người tiêu dùng VN. Chọn những nguồn uy tín thay vì vô tư tải từ các diễn đàn hay website chia sẻ lậu. “Không có bữa trưa nào miễn phí”, chủ nhân các công cụ bẻ khóa (crack) bản quyền phần mềm luôn “hào phóng” tặng thêm mã độc đính kèm. Ngoài ra, ông Tim Rains khuyến cáo chỉ nên tải phần mềm của những nhà sản xuất đáng tin cậy.

4. Luôn cài đặt và chạy một chương trình chống virút (anti-virus) có kèm tường lửa (firewall) trên máy tính. Và hãy nhớ cập nhật cơ sở dữ liệu nhận dạng các loại virút mới xuất hiện mỗi ngày. Tường lửa sẽ giúp ngăn chặn tội phạm mạng khai thác lỗi bảo mật chưa có bản vá từ nhà sản xuất, ngăn chúng thâm nhập vào máy tính.

5. Luôn suy nghĩ kỹ trước khi click, kể cả liên kết (link) hay tập tin đính kèm được gửi từ email người thân quen. Một chút nghi ngại dù nhỏ nhoi nhất cũng đừng click, bạn sẽ không mất gì cả.

6. Sao lưu dữ liệu đều đặn để dễ dàng khôi phục khi xảy ra sự cố.

 

Theo TTO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=394
Quay lên trên