Nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Cập nhật: 03-07-2020 | 06:12:06

 Sốt xuất huyết (SXH) Dengue là bệnh truyền nhiễm nhóm B, gây dịch do vi rút Dengue gây nên, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào các tháng mùa mưa. Tỷ lệ mắc SXH tăng mạnh trong những thập niên gần đây với khoảng một nửa dân số thế giới hiện đang có nguy cơ. Ước tính có khoảng 100 - 400 triệu ca nhiễm mỗi năm. Phòng, chống SXH phụ thuộc vào các biện pháp kiểm soát véc-tơ hiệu quả cùng với sự tham gia bền vững của cả cộng đồng có thể cải thiện đáng kể số mắc và tử vong.

Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã ghi nhận hơn 815 trường hợp mắc SXH, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2019, không có trường hợp tử vong. Các huyện có số ca mắc cao là TX.Bến Cát, TP.Dĩ An, TP.Thuận An. Mặc dù số ca SXH toàn tỉnh có giảm so với năm 2019 do tình hình thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài, làm hạn chế nơi ở và sinh sản của muỗi, nhưng hiện nay đã vào mùa mưa nên nguy cơ bùng phát dịch SXH khá cao, do đó nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Công tác truyền thông về phòng, chống SXH được thực hiện thường xuyên từ tuyến tỉnh đến huyện, xã bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh, xe lưu động…

Ngoài ra, để chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, các địa phương áp dụng các biện pháp kiểm soát véc-tơ khẩn cấp như phun hóa chất diệt muỗi khi có ca bệnh tăng cao. Bên cạnh đó, cần giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm…

SXH là một bệnh nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời dễ dẫn đến tử vong. SXH nguy hiểm vì hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin phòng bệnh, chủ yếu là đều trị triệu chứng. Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột có thể đi kèm với 2 trong số các triệu chứng sau đây trong giai đoạn sốt: Đau đầu dữ dội, đau sau mắt, đau cơ và khớp, buồn nôn, nôn, viêm tuyến, phát ban... trường hợp nặng có thể biểu hiện như: Đau bụng nhiều, nôn mửa kéo dài, thở nhanh, chảy máu nướu răng, mệt mỏi, bồn chồn, nôn ra máu… Vì vậy, bệnh nhân có triệu chứng mắc SXH phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Nếu bị SXH, hãy tránh bị muỗi đốt trong tuần đầu tiên mắc bệnh. Vi rút có thể lưu hành trong máu trong thời gian này, do đó bạn có thể truyền vi rút sang những con muỗi mới chưa bị nhiễm bệnh, chúng có thể lần lượt lây nhiễm sang người khác.

Phòng, chống muỗi sinh sản nhằm ngăn chặn muỗi tiếp cận môi trường sống đẻ trứng bằng cách quản lý và thay đổi môi trường; xử lý chất thải rắn đúng cách và loại bỏ môi trường sống nhân tạo có thể giữ nước; bao phủ, đổ và làm sạch các thùng chứa nước sinh hoạt hàng tuần; áp dụng hóa chất thích hợp cho các thùng chứa nước ngoài trời; bảo vệ cá nhân khỏi muỗi đốt: Sử dụng thuốc chống côn trùng đốt, mặc quần áo dài tay giúp giảm thiểu tiếp xúc giữa da với muỗi. Các biện pháp này cần được thực hiện cả bên trong và bên ngoài nhà như: Tại nơi làm việc, trường học vì muỗi truyền bệnh hoạt động cả ngày…

Ths.NGUYỄN THỊ HỒNG LOAN (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên