Ngành sinh vật cảnh: Phát triển đúng hướng, giá trị tăng cao

Cập nhật: 19-08-2020 | 08:42:47

Ngành sinh vật cảnh (SVC) tại phía Nam Bình Dương xuất hiện khá lâu và ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm được biết đến như hoa lan, hoa mai, cây bon sai, cá cảnh… Với tốc độ đô thị hóa ngày một cao, phát triển ngành SVC là một trong những hướng đi đúng đắn, mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho ngành nông nghiệp (NN) của tỉnh.

 Trồng hoa lan Moka cắt cành là hướng đi phù hợp với nông nghiệp đô thị của tỉnh

 Chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Theo các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, SVC đã trở thành một ngành hàng được ưu tiên phát triển trong quá trình tái cấu trúc ngành NN. SVC chính là một ngành theo chuỗi, sản xuất ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao và có giá trị gia tăng cao.

Bình Dương có vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực tập trung các đô thị có tốc độ phát triển cao, thu nhập và đời sống của người dân không ngừng gia tăng, do đó nhu cầu về hưởng thụ các sản phẩm SVC cũng tăng theo. Vì vậy việc phát triển SVC không chỉ giải quyết về kinh tế - văn hóa mà còn có vai trò cân bằng sinh thái, cải thiện môi trường sống. Vùng kinh tế đô thị phía Nam của tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển SVC có giá trị cao. Đồng thời, định hướng phát triển ngành nghề SVC rất phù hợp với thực trạng về quỹ đất NN đang ngày một thu hẹp, thích hợp với phát triển NN đô thị. SVC tại vùng kinh tế đô thị phía Nam đã và đang phát triển mạnh, đạt được một số kết quả tốt, đem lại thu nhập cao cho người dân. Hiệu quả kinh tế từ SVC khá lớn, bình quân doanh thu đạt từ 600 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng/năm/ha sản xuất hoa lan; khoảng 800 triệu đồng/ha/ năm/sản xuất mai; 80 triệu đến 1 tỷ đồng/hộ nuôi cá cảnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển SVC vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành khu vực sản xuất tập trung, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa có tính liên kết cao. Điều này dẫn đến tình trạng khó áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, chưa tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao, khó đáp ứng các đơn đặt hàng xuất khẩu với số lượng lớn, chưa thật sự góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch sản xuất NN, nông thôn sang sản xuất NN đô thị.

Sản xuất ổn định và bền vững

Để NN đô thị vùng phía Nam Bình Dương nói chung và ngành SVC nói riêng phát triển theo đúng định hướng, phù hợp với quy hoạch. Đặc biệt là đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giúp chuyển dịch cơ cấu ngành NN theo hướng NN đô thị, NN kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, việc lập dự án “Hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại SVC vùng phía Nam Bình Dương giai đoạn 2018-2022” là rất cần thiết.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1153/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án “Hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại SVC vùng phía Nam Bình Dương giai đoạn 2018-2022”. Mục tiêu của dự án là hình thành vùng chuyên sản xuất và cung ứng các loại SVC bao gồm: Hoa lan, hoa mai, bonsai, cây cảnh, cá cảnh... cung cấp cho thị trường vùng kinh tế đô thị phía Nam và từng bước tham gia xuất khẩu. Đồng thời, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, tận dụng các nguồn lực sẵn có để đa dạng hóa sản phẩm NN, tạo cảnh quan, nét đẹp đô thị, góp phần giải quyết nhu cầu giải trí của người dân đô thị. Cụ thể, nâng diện tích trồng và kinh doanh SVC lên 139ha. Trong đó, hoa lan 70ha, hoa mai và các loại cây cảnh - bon sai khác 69ha, nâng quy mô nuôi cá cảnh các loại lên 2,9 triệu con. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha NN đô thị, NN ứng dụng công nghệ cao đạt 160-180 triệu đồng/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên lan, mai, bonsai - cây cảnh 1,1 - 1,3 tỷ đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người tham gia sản xuất NN đô thị đạt 70-80 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Phong Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết dự án được triển khai có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành một ngành sản xuất có hiệu quả, ổn định và bền vững trên địa bàn tỉnh. Chi cục Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì phối hợp các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các thị xã, thành phố vùng Nam Bình Dương, các hội nghề nghiệp có liên quan, các hộ sản xuất và cung ứng SVC trên địa bàn các thị xã, thành phố. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2020-2022, ở các phường, xã, thị trấn thuộc TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An. Các hạng mục triển khai dự án bao gồm: Hình thành các cơ sở giống SVC; hỗ trợ giống, vật tư sản xuất cho các hộ sản xuất SVC trên địa bàn; vận động và hỗ trợ thành lập các hội, hiệp hội SVC, tổ hợp tác, hợp tác xã SVC; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm SVC thông qua tổ chức và tham dự các triển lãm, hội thi SVC, mở các cửa hàng chuyên cung cấp SVC để nhằm nâng diện tích canh tác, tạo vùng canh tác SVC đồng nhất về chất lượng, sử dụng giống và vật tư NN có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng nguồn giống mới, tiên tiến phù hợp thị hiếu thị trường từ đó xây dựng và phát triển vùng SVC Nam Bình Dương đạt mục tiêu dự án đề ra. Các hạng mục dự án xây dựng và tổ chức thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Lựa chọn các đối tượng là các hợp tác xã, trang trại sản xuất, kinh doanh lan, cá cảnh trên địa bàn có năng lực về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm để hỗ trợ thực hiện. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu để khuyến khích các đơn vị đầu tư. Thời gian sau, các đơn vị sản xuất, kinh doanh tự chủ trong việc quản lý, vận hành và chuyển giao kinh nghiệm cho người sản xuất khác.

Có thể nói việc phát triển những mô hình SVC là rất cần thiết, không những giúp SVC nâng cao giá trị thu nhập từ sản xuất dịch vụ SVC mà còn tạo điều kiện và tiền đề rất tốt, rất lớn để nâng cao hàm lượng kỹ thuật trong lao động. Đồng thời góp phần tích cực, hiệu quả cao trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động và thu nhập ở nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất đai trong NN.

 Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tạo sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất, hình thành các ngành sản xuất mới thích ứng với điều kiện giảm về diện tích sản xuất và giảm về lao động. Trong quá trình đó, ngành sản xuất NN đô thị, NN ven đô thị hình thành và phát triển trong thời gian gần đây, với các lợi thế về thị trường, nguồn vốn, nguồn khoa học công nghệ… Bình Dương đã xác định NN đô thị, NN ứng dụng công nghệ cao là định hướng phát triển của sản xuất NN tỉnh nhà. Trong đó các đối tượng sản xuất mới như hoa, cây cảnh, cá cảnh… có hiệu quả kinh tế cao, tiềm năng thị trường lớn. Vì vậy dự án “Hình thành vùng chuyên sản xuất và cung ứng các loại SVC vùng phía Nam Bình Dương giai đoạn 2018- 2022” có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành một ngành sản xuất có hiệu quả, ổn định và bền vững trên địa bàn tỉnh.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên