Ngành y tế: Chủ động phòng chống bệnh sởi

Cập nhật: 19-04-2014 | 00:00:00
Tại hội nghị triển khai công tác y tế dự phòng (YTDP) năm 2014 do Trung tâm YTDP tỉnh tổ chức vào sáng 18-4, một trong những bệnh được quan tâm của ngành y tế tỉnh nhà hiện nay là bệnh sởi. Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi được cho là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất…  

 Tiêm phòng vắc-xin sởi cho trẻ em tại Trung tâm YTDP tỉnh Ảnh: Q.NHƯ

Trẻ mắc sởi chủ yếu do không tiêm ngừa

Trước diễn biến của bệnh sởi trên toàn quốc, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng nên đã chủ động đưa con em đi tiêm ngừa tại cơ sở y tế. Ghi nhận của chúng tôi tại phòng tiêm ngừa của Trung tâm YTDP, mỗi tuần có khoảng 120 - 150 người lớn, trẻ em đến tiêm ngừa sởi, trong đó hơn 50% là trẻ em. Các trường hợp trong đối tượng tiêm chủng mở rộng sẽ được tiêm miễn phí; còn lại là tiêm dịch vụ.

Theo bà Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết, bệnh sởi vốn là bệnh nhẹ, nhưng biến chứng sởi là điều rất đáng lo ngại. Các biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi cấp, viêm kết mạc dẫn đến mù mắt, bệnh biến chứng nặng gây tử vong. Trong khi đó, tâm lý của người dân thường không tin tưởng tuyến dưới, nhưng nếu cứ mắc bệnh là chuyển lên bệnh viện tuyến trên thì càng dễ gây lây nhiễm chéo do môi trường bệnh viện dễ nhiễm khuẩn từ các loại bệnh truyền nhiễm khác và quá tải.

Theo số liệu của Trung tâm YTDP tỉnh, tính đến ngày 16- 4, tổng số ca sốt phát ban trên địa bàn là 376 ca, chưa có ca tử vong. Hiện đã có kết quả xét nghiệm 185 ca, trong đó có 70 ca dương tính với sởi. Về phân bố, bệnh xuất hiện rải rác, không tập trung, trong đó chủ yếu là ở huyện Bến Cát (19 ca dương tính), TP.Thủ Dầu Một (15 ca), TX.Thuận An (13 ca). Cũng qua kết quả phân tích các ca bệnh sởi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đối tượng mắc sởi khá phức tạp. Điển hình có một gia đình có 3 người cùng mắc sởi, gồm mẹ và 2 con sinh đôi mới 7,5 tháng tuổi. Như vậy, trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa vắc-xin sởi vẫn có thể mắc bệnh sởi. Về tiền sử tiêm ngừa bệnh sởi, trong 376 ca sốt phát ban chỉ có 90 ca được tiêm ngừa (chiếm 24%). Trong 70 ca dương tính với sởi, chỉ có 5 ca được tiêm ngừa sởi (7,1%). Rõ ràng, nguyên nhân trẻ bị bệnh sởi chủ yếu là do không tiêm ngừa. Trong khi đó, theo khuyến cáo, trẻ em tiêm ngừa đầy đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi (mũi một khi 9 tháng tuổi và mũi 2 tiêm nhắc lại khi 18 tháng tuổi) sẽ phòng bệnh được 95%.

Chủ động phòng ngừa, hạn chế lây lan

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tiêm vét vắc-xin sởi, ngày 5-3, Trung tâm YTDP tỉnh đã ban hành kế hoạch tiêm vét vắc-xin trên địa bàn toàn tỉnh. Trong tháng 3 vừa qua, đã có 3 địa phương (Thủ Dầu Một, Dĩ An, Dầu Tiếng) triển khai tiêm vét, các địa phương còn lại sẽ triển khai tiêm vét xong trong tháng 4. Theo bà Hồng Lê, để chủ động phòng chống bệnh, trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục những hoạt động: Giám sát ca bệnh, tuyên truyền phòng chống bệnh sởi bằng nhiều hình thức, tổ chức tiêm vét mũi 1, mũi 2 và tiêm chủng thường xuyên cho trẻ đúng lịch; tổ chức giám sát hỗ trợ các điểm tiêm chủng trên địa bàn nhằm bảo đảm việc tiêm chủng an toàn đúng theo quy định.

Cũng theo bà Lê, hiện nay thông tin chính xác về bệnh sởi trên toàn quốc, trung tâm vẫn chưa nắm được. “Không nên giấu bệnh, giấu dịch bởi như thế càng gây nguy hiểm hơn khi dịch bệnh bùng phát sang các tỉnh phía Nam. Một trong những vấn đề cần quan tâm nữa là tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tiêm chủng. Bởi, đa phần những ca mắc sởi là chưa tiêm phòng, còn những ca có tiêm phòng nhưng vẫn mắc là do cơ thể không tương thích với thuốc…”, bà Lê nói.

 - Bà NGUYỄN THỊ NGỌC CẤT, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên cho biết, toàn thị xã có 7 ca dương tính với sởi, số ca này cũng đã được điều trị xong. Hiện, tình hình dịch sởi trên địa bàn ổn định, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch phòng chống bệnh sởi vẫn được thực hiện thường xuyên, đúng theo quy định của Bộ Y tế.

- Bác sĩ chuyên khoa I QUÁCH HOÀNG MỸ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Vắc-xin sinh phẩm - Kiểm dịch y tế Trung tâm YTDP tỉnh cho rằng, về dịch sởi phụ huynh không nên quá lo lắng trước các thông tin bùng phát dịch như hiện nay. Cần cho trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ, với trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc-xin sởi thì nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh để trẻ tiếp xúc với người bệnh bởi trẻ dễ lây các bệnh cơ hội. Người lớn khi tiếp xúc với trẻ cũng phải giữ vệ sinh, rửa tay, thay áo khi đi bên ngoài về…

Bệnh sởi đang xảy ra rải rác trên cả nước, riêng tại Bình Dương từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận nhiều ca dương tính với sởi. Vì tính cấp bách và quan trọng, ngày 17-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế khẩn trương tổ chức các hoạt động phòng chống dịch sởi để sớm dập tắt, tránh lây lan bệnh trong cộng đồng. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, dịch sởi hiện đang là vấn đề nóng, được dư luận quan tâm và cần có giải pháp chủ động ứng phó. Để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, Trung tâm YTDP tỉnh cần sớm tham mưu kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin sởi bổ sung, có thể triển khai cùng với tiêm chủng hàng tháng hoặc triển khai riêng; phối hợp với các trường mầm non trong phòng chống dịch sởi.

Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi trên địa bàn tỉnh mới đạt khoảng 40% (số liệu tổng hợp chưa bao gồm tiêm dịch vụ). Số liệu này là rất thấp, vì thế, giải pháp tốt nhất là tăng tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi; đồng thời tập trung tuyên truyền rộng rãi, đặc biệt là qua hệ thống đài phát thanh xã, phường nhằm nâng cao ý thức người dân - chủ động hơn trong việc đưa con em mình đi tiêm phòng sởi đầy đủ. “Trung tâm YTDP tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm vét và lồng ghép tiêm sởi vào tiêm ngừa thường xuyên nhằm tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, có như thế mới hạ được tỷ lệ mắc bệnh sởi. Song song đó, cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện ca bệnh kịp thời. Nếu phát hiện bệnh, người bệnh cần được cách ly, nếu là học sinh tạm nghỉ ở nhà để tránh lây lan trên diện rộng”, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà nói.

 Tiêm chủng là giải pháp chủ động

 Sáng 18-4, tại điểm chích ngừa Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, anh H. cho biết dù mình làm công chức nhưng lo quá nên tranh thủ nghỉ một tiếng buổi sáng, nhờ bạn bè làm việc thay để chở bà xã đưa con đi chích ngừa sởi. Cùng chung nỗi lo này có nhiều phụ huynh khác nữa. Họ cho biết dù con số bệnh nhi mắc sởi rồi bị biến chứng dẫn đến tử vong đều ở miền Bắc, Bình Dương vẫn trong vùng an toàn nhưng tâm lý chung của cha mẹ có con nhỏ là rất lo lắng. Do vắc-xin ngừa sởi chỉ tiêm mũi đầu cho trẻ đủ 9 tháng tuổi, mũi nhắc lúc 18 tháng tuổi nên những bà mẹ có con dưới 9 tháng tuổi còn hoang mang.

Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, ngày 18-4 đang có 40 trẻ điều trị nội trú do bệnh sởi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Phụ huynh có con bị phát ban đều thắc mắc, lo lắng hỏi bác sĩ rằng có phải con họ bị sởi hay không. Bệnh sởi thể nhẹ vẫn có thể điều trị ngoại trú, điều trị tuyến dưới tốt hơn là tập trung lên tuyến trên bởi trẻ dễ bị lây bệnh từ môi trường bệnh viện. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Vắc-xin sinh phẩm - Kiểm dịch y tế cho rằng, công tác giám sát bệnh sởi đang được thực hiện nghiêm ngặt từ các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố cũng như các bệnh viện. Số ca nghi bệnh sởi đều được gửi mẫu kiểm nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM và nếu có kết quả dương tính sẽ được điều trị tích cực, kịp thời.

HƯƠNG CẦN

 

QUỲNH NHƯ - HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=530
Quay lên trên