Nghề chạm khắc gỗ: Thích ứng để tồn tại 

Cập nhật: 27-11-2015 | 06:58:51

Ngoài dòng sản phẩm gỗ văn phòng, nội thất, sân vườn phục vụ xuất khẩu, gỗ mỹ nghệ tại Bình Dương cũng đã tạo ra một thị trường khá đa dạng. Lợi thế của nghề chạm khắc gỗ ở Bình Dương đã có cả trăm năm tuổi, cùng với đó là sự có mặt của hàng trăm nghệ nhân, thợ lành nghề trong và ngoài tỉnh. 

Kén khách, lại chịu sự cạnh tranh cao

Theo thống kê, hiện Bình Dương có trên 100 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, trong đó gần 2/3 cơ sở do nghệ nhân của các tỉnh, thành khác làm chủ. Việc Bình Dương trở thành thủ phủ gỗ của cả nước đã kéo theo nhiều doanh nghiệp (DN), nghệ nhân, thợ lành nghề từ các địa phương khác trong cả nước đến đây tìm kiếm cơ hội làm ăn. Chính vì thế, thị trường gỗ mỹ nghệ ở Bình Dương quy tụ đầy đủ thế mạnh của các làng mộc nổi tiếng trong cả nước, như làng mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Vạn Phúc (Hà Nội), Kim Bồng (Quảng Nam), An Tường (Vĩnh Phúc)… cùng hợp sức với các nghệ nhân chạm khắc gỗ Thủ Dầu Một (Bình Dương) tạo thành một thị trường sôi động và đa dạng bản sắc văn hóa vùng miền.

Gỗ mỹ nghệ rất kén chọn người mua. Trong ảnh: Du khách đang chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc tại Hội chợ gỗ mỹ nghệ Bình Dương vừa qua. Ảnh: XUÂN VĨ

Nhưng để tồn tại trên thị trường hiện nay là cả thách thức lớn. Nghệ nhân điêu khắc gỗ Đức Khanh (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, đồ gỗ điêu khắc rất kén chọn người mua, bởi phải có trình độ và đam mê nhất định mới thẩm thấu được những gì mà người thợ điêu khắc “thổi hồn” vào hoa văn, họa tiết trong mỗi tác phẩm. Một sản phẩm gỗ có giá trị khi thỏa mãn các yếu tố: chất liệu gỗ, trình độ điêu khắc và xử lý đánh bóng. Nhưng ai đã đam mê đồ gỗ mỹ nghệ khó lòng dứt khỏi niềm đam mê này và điều làm người ta thích thú với đồ gỗ mỹ nghệ là tuổi thọ có thể kéo dài hàng trăm năm, nếu người thợ biết cách xử lý gỗ.

Chủ một DN gỗ mỹ nghệ tại TX.Bến Cát cho biết thêm, cùng một chất liệu gỗ, cùng một dòng sản phẩm nhưng độ tinh xảo của hoa văn, họa tiết có thể làm cho sản phẩm đó chênh lệch từ vài triệu đến vài chục triệu đồng là điều bình thường. Nói gỗ mỹ nghệ đang phải cạnh tranh gay gắt là vậy, bởi ngoài yếu tố kén chọn khách hàng, trình độ tay nghề của thợ điêu khắc cũng là yếu tố quyết định.

Ngoài ra, đồ gỗ mỹ nghệ thường to lớn, cồng kềnh làm phát sinh thêm chi phí vận chuyển, từ đó DN buộc phải tăng giá thành khi bán. Đây cũng là yếu tố khiến gỗ mỹ nghệ khó cạnh tranh với dòng sản phẩm gỗ thường vốn đơn giản, lược bớt chi tiết và có sự trợ giúp đắc lực của thiết bị máy móc và giá thành rẻ hơn rất nhiều.

“Hòa nhập không hòa tan”

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay để tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, nhiều nghệ nhân và DN sản xuất gỗ mỹ nghệ tại Bình Dương đã linh hoạt tìm đầu ra cho sản phẩm “kén cá chọn canh” của mình. Các nhóm nghệ nhân từ Bắc Ninh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… cũng đang chọn Bình Dương làm nơi sản xuất, kinh doanh sản phẩm này và rất tích cực tham gia những hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ do tỉnh Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai tổ chức hàng năm.

Hiện nay, các cơ sở, DN sản xuất gỗ như Phú Long, Trân Thuấn (TX.Thuận An), Nam Hải, Vùng Quê (TX.Dĩ An), Gia Nguyễn, Minh Tuấn (TP.Thủ Dầu Một)… đang dần đa dạng hóa sản phẩm gỗ, để vừa phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng vừa cố gắng gìn giữ nghề gỗ điêu khắc truyền thống.

Họa sĩ Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương cho biết, nghề điêu khắc gỗ gắn liền với lịch sử của đất Thủ. Ngày nay, Bình Dương rộng cửa đón chào các nghệ nhân điêu khắc gỗ từ Bắc chí Nam về hội tụ. Trong điều kiện thị hiếu tiêu dùng thay đổi bắt buộc mỗi nghệ nhân, mỗi làng nghề phải thích nghi để tồn tại. Chúng ta đang vào sân chơi rộng lớn của thị trường thế giới, “hòa nhập không hòa tan” là cách để chúng ta chắt chiu, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, những cố gắng của mỗi nghệ nhân, mỗi làng nghề để giữ gìn nghề truyền thống là đáng trân trọng.

Tới đây, tỉnh Bình Dương sẽ có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân làng nghề và những người có công đưa nghề mới về Bình Dương. Đây là cách mà tỉnh nhà đang cố gắng giữ gìn làng nghề truyền thống và thu hút các nghệ nhân, thợ thủ công mỹ nghệ tay nghề cao chọn Bình Dương làm nơi “đất lành chim đậu”.

 XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên