Nghề truyền thống “hút” lao động cuối năm

Cập nhật: 19-11-2014 | 08:47:32

Nhiều làng nghề truyền thống (NTT) bắt đầu hoạt động hết công suất, kịp đưa ra thị trường những sản phẩm cuối năm. Đây là thời điểm hàng trăm lao động nông thôn, nhất là phụ nữ, người già… có cơ hội kiếm thêm thu nhập để mua sắm vào dịp tết đến, xuân về.

 Nghề truyền thống làm guốc ở TX.Thuận An thu hút lao động nữ dịp cuối năm

Làng nghề cần lao động

Làng NTT sản xuất nhang TX.Dĩ An những tháng cuối năm luôn nhộn nhịp tiếng cưa, tiếng máy… chuẩn bị giao hàng tết. Nếu như ngày thường, các cơ sở này chỉ có 10 - 20 lao động thì dịp này, số người làm thời vụ tăng lên gấp 3 - 5 lần. Ông Nguyễn Minh Trí, cơ sở sản xuất nhang Đài Loan ở khu phố Bình Minh II, phường Dĩ An nói khoảng một tháng nay, để bảo đảm tiến độ giao hàng tết, ông phải thuê thêm 10 nhân công thời vụ. Cả máy móc và con người đều phải làm việc hết công suất, trung bình mỗi ngày xuất xưởng khoảng 200 - 300 thiên nhang.

NTT thớt, heo đất du nhập vào Lái Thiêu, TX.Thuận An vào những năm 70 của thế kỷ trước. Sau một thời gian trầm lắng, giờ NTT làm heo đất, làm thớt đã khởi sắc trở lại. Nhiều thương lái trong, ngoài phường Lái Thiêu đã tìm đến mua hàng và giới thiệu ra thị trường. Đặc biệt, thớt Lái Thiêu đã “xuất ngoại” sang các nước Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc, Mỹ...; heo đất thì chủ yếu thị trường trong nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan. Ông Đặng Văn Tài, chủ cơ sở sản xuất thớt Công Danh, chia sẻ: “Ngày thường, cơ sở của tôi chỉ cần khoảng 20 nhân công. Cuối năm, đáp ứng nhu cầu hàng xuất khẩu, gia đình phải tuyển thêm nhân công. Có năm, nhiều hàng phải tuyển cả 50 người. Tuyển lao động thời vụ vừa giúp cơ sở có thể kịp thời sản xuất số lượng lớn sản phẩm, vừa giúp nhiều lao động kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn”.

Dịp cận tết, nhu cầu tăng thêm lao động tại các cơ sở làng nghề đã trở thành thông lệ, giúp người lao động có thêm thu nhập đáng kể. Số lao động thời vụ được thuê tùy thuộc vào nhu cầu sản xuất của các cơ sở lớn, nhỏ. Có nhiều cơ sở sản xuất lớn cần thêm 20 - 30 lao động thời vụ, mới đáp ứng được nhịp sản xuất một khối lượng lớn hàng hóa phục vụ trong dịp tết. Ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH Tư Bốn, chuyên sản xuất tranh sơn mài tại phường Tương Bình Hiệp, TP.TDM, cho biết cuối năm, nhiều đơn đặt hàng nên các cơ sở sản xuất tranh sơn mài gặp khó khăn khi tuyển lao động. Do đó, từ tháng 5, nhận thấy có nhiều đơn đặt hàng, các cơ sở đã tuyển dụng lao động. Nhiều nơi còn “đặt hàng” trước đối với lao động thời vụ. Như vậy, những tháng gần tết dù đi đâu, làm gì người lao động cũng về với cơ sở mình để làm. Cách làm đó, giúp các cơ sở chủ động sản xuất để kịp hàng giao tết.

Niềm vui đón tết

Cuối năm, các làng nghề tuyển dụng đông lao động đã tạo điều kiện cho nhiều người có công ăn việc làm, tăng thu nhập khi tết đến, xuân về. Chị Thạch Thị Vẽ ở TX.Dĩ An, nói năm nào cứ đến gần tết, chị đều đến làm việc cho cơ sở sản xuất nhang Đài Loan. Chị Vẽ cho biết, các con chị làm công nhân. Bản thân chị buôn gánh bán bưng ở chợ Dĩ An. Quanh năm lao động quần quật chỉ kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Cứ như vậy, từ đầu tháng 11 dương lịch, chị Vẽ “đầu quân” cho các cơ sở ở làm nhang. Chỉ trong vòng 2 - 3 tháng làm việc, chị có hơn 10 triệu đồng để ăn tết.

Cũng như chị Vẽ, chị Nguyễn Thị Lam, lao động thời vụ tại cơ sở sản xuất bánh tráng Phú An, TX.Bến Cát cũng vui vẻ khi có việc làm thêm. Chị Lam kể, đời sống kinh tế của gia đình dựa vào mấy con bò, vài chục cây cao su thu nhập không bao nhiêu, thậm chí thiếu trước hụt sau. Với số tiền vài triệu đồng thu được từ những công việc thời vụ, chị có thể mua sắm thêm quần áo mới cho các con và sắm sửa lo tết một cách đủ đầy trong những ngày đầu năm mới.

Công việc tại các cơ sở sản xuất nghề truyền thống thủ công tương đối nhẹ nhàng, kéo dài khoảng 8 tiếng/ngày với số tiền công từ 80.000 - 150.000 đồng/ ngày. Hầu hết các lao động thời vụ được thuê làm ở các cơ sở này trong dịp gần tết đều là lao động nữ, người lớn tuổi. Ông Lê Bá Linh nói thêm: “Cuối năm, chúng tôi chỉ tuyển được lao động nữ. Lý do là vì thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thanh niên trong phường đều đi học xa, hoặc làm công nhân tại các khu công nghiệp với công việc ổn định. Do đó, vô tình làng NTT của địa phương chỉ còn phụ nữ, người lớn tuổi”.

Tại các cơ sở làng NTT, công nhân lao động cùng nhau tham gia làm ở nhiều công đoạn để tạo ra các sản phẩm đậm chất quê hương mang đến người tiêu dùng trong dịp tết như nhang, bánh tráng, thớt, tranh sơn mài… Họ không chỉ mang lại thu nhập cho mình mà còn góp phần mang những sản phẩm truyền thống Bình Dương “bay cao, bay xa”, giới thiệu đến các nước. Từ đó, làng NTT Bình Dương tiếp tục có chỗ đứng.

 

 THIÊN LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên