Phát hiện chậm, dễ tử vong

Cập nhật: 01-06-2013 | 00:00:00

Những ngày qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã thông tin khá nhiều trường hợp đột quỵ mà mới đây nhất là trường hợp của một lãnh đạo TP.Cần Thơ (đột quỵ trong lúc đang đạp xe tập thể dục) và một sinh viên (đột quỵ trong lúc đang học bài).

Nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu

Đột quỵ (hoặc tai biến mạch máu não) là tình trạng bệnh lý biểu hiện bởi các triệu chứng thần kinh xảy ra đột ngột, tương ứng với tổn thương cục bộ hệ thần kinh trung ương do rối loạn tuần hoàn não. Bệnh có thể khởi phát với các triệu chứng về vận động (đột ngột liệt nửa người, méo miệng, nói đớ…), về ngôn ngữ (đột ngột không nói chuyện được) hoặc nhìn mờ, mù một mắt, đau đầu dữ dội, hôn mê…

Một ca điều trị cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ. (Ảnh: NHƯ SƠN)

Theo giáo sư Michael Brainin, Chủ tịch Ủy ban Đào tạo của Tổ chức Đột quỵ thế giới, cứ 6 giây trên toàn thế giới có một người tử vong do đột quỵ và cứ 40 giây có thêm một bệnh nhân đột quỵ. Đây là bệnh gây tử vong đứng thứ hai ở tuổi trên 60 và đứng hàng thứ 5 ở tuổi từ 15 đến 59, số người tử vong do đột quỵ đang lớn hơn số người tử vong do 3 căn bệnh AIDS, lao, sốt rét cộng lại; đây cũng là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu và là cấp cứu thường gặp nhất trong chuyên khoa thần kinh.

Ở nước ta, theo GS-TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não, mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ và số tử vong lên đến 104.800 người. Cứ một bệnh nhân đột quỵ ở mức độ tàn tật trung bình thì mất đi một lao động, nếu di chứng nặng phải phụ thuộc người khác thì gia đình còn tốn thêm một người chăm sóc. Người bệnh đột quỵ đang là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hành động khẩn cấp

PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đột quỵ là một cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế gần nhất là điều mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh; WHO cũng kêu gọi chúng ta hãy hành động khẩn cấp để chung tay đẩy lùi đột quỵ nhằm đưa cuộc chiến chống đột quỵ lên hàng đầu trong các chương trình sức khỏe toàn cầu.

Năm 1967 tại Trung tâm y khoa của Đại học y Mississippi (Mỹ), Rovert Currier Dr Armine cùng giáo sư Robert Smith sáng lập ra đơn vị đột quỵ đầu tiên của Mỹ, mở đầu một hình thức tổ chức tiên tiến về điều trị và chăm sóc bệnh nhân đột quỵ trên toàn thế giới. Hình thức này đến nay đã phát triển rộng khắp Mỹ, châu Âu và một số lớn các nước châu Á, trong đó có nước ta.

Việc bệnh nhân được điều trị trong đơn vị đột quỵ sẽ giảm 17% tỷ lệ tử vong; giảm 6 ngày điều trị nội trú và thêm 5% bệnh nhân sống không cần sự giúp đỡ của người thân. Nước ta đã có 14 đơn vị đột quỵ tại các thành phố lớn. Các đơn vị ở Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không chỉ tương đương mà còn có phần vượt trội so với đơn vị đột quỵ của các nước trong khu vực.

Lưu ý tác động lên 6 nội dung

Theo GS-TS Lê Văn Thành, 19 triệu tế bào thần kinh sẽ chết chỉ sau 1 phút đột quỵ. Vì vậy, mọi sự chậm trễ đều đưa đến hậu quả nghiêm trọng. Để giảm gánh nặng do đột qụy, cần lưu ý tác động lên 6 nội dung: Hiểu biết các yếu tố nguy cơ của cá nhân (tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu); vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên; tránh béo phì bằng cách giữ chế độ ăn uống đúng mức; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá, nếu đang hút thì cố gắng ngưng ngay; tìm hiểu để nhận ra những triệu chứng cảnh báo của đột quỵ và biết phải hành động nhanh chóng ra sao.

 

TS-BS LÊ TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên