Phát triển dịch vụ phân tích, góp phần phát triển công nghiệp bền vững

Cập nhật: 09-03-2012 | 00:00:00

Nếu năm 2005 Bình Dương có khoảng 5.400 cơ sở sản xuất công nghiệp (CN), thì đến nay con số đó ước đạt khoảng 8.000 cơ sở. Đáng chú ý, CN của tỉnh tập trung chủ yếu vào ngành chế biến, ngành luôn chiếm hơn 99% tổng giá trị sản xuất CN của tỉnh qua các năm. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Bình Dương hiện nay là chưa có một đơn vị cung ứng dịch vụ phân tích chất lượng sản phẩm, hàng hóa xứng tầm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, hầu hết các tỉnh có công nghiệp phát triển đều đã có hẳn một trung tâm cung ứng loại hình dịch vụ này!  Công nghiệp chế biến luôn chiếm hơn 99% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh

Điểm sáng CN chế biến

Hiện tại, kinh tế Bình Dương đang chuyển dịch theo hướng CN và dịch vụ với tỷ trọng cao. Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 KCN, 8 cụm CN, với trên 12.000 DN sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ trên nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Đáng chú ý, CN của tỉnh tập trung chủ yếu vào ngành chế biến. Trong những năm qua, ngành CN chế biến luôn chiếm tỷ trọng trên 99% tổng giá trị sản xuất CN của tỉnh. Trong đó, một số lĩnh vực sản xuất luôn chiếm giá trị cao, như: lương thực, thực phẩm và đồ uống, kim loại, hóa chất, thiết bị điện - điện tử... Ngoài ra, còn có thể kể đến một số sản phẩm khác mà hiện nay các DN của tỉnh đang sản xuất với sản lượng lớn, như: Sản phẩm từ giấy, thuốc lá, các sản phẩm từ kim loại, các sản phẩm từ nhựa và cao su, cà phê, phân bón...

Sản phẩm, hàng hóa được chế biến từ các lĩnh vực nói trên cần phải được phân tích các chỉ tiêu về môi trường, hóa lý, vi sinh, thành phần dinh dưỡng, độc tố... trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường hoặc xuất khẩu. Đây là một trong những biện pháp kiểm soát chất lượng mà hầu hết các quốc gia đều áp dụng, đặc biệt là các cường quốc CN.

Những số liệu đáng suy nghĩ

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ một vài đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, tài nguyên - môi trường và một số cơ sở đào tạo có phòng phân tích, phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, nhìn chung trang thiết bị tại các tổ chức này chỉ đáp ứng được rất ít các chỉ tiêu phân tích mà phần lớn DN của tỉnh cần và rất ít phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia, quốc tế.

Hạn chế lớn nhất của Bình Dương là chưa có một đơn vị cung ứng các dịch vụ phân tích, thử nghiệm, giám định, đánh giá và xác nhận đầy đủ các chỉ tiêu cơ bản trong sản phẩm, hàng hóa dành cho DN. Trong khi đó, ở các tỉnh có CN phát triển hiện đã có hẳn một trung tâm cung ứng dịch vụ phân tích, thí nghiệm trực thuộc Sở Khoa học - Công nghệ. Điển hình là Sở Khoa học - Công nghệ các tỉnh, thành như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ... Đáng nói hơn, các tỉnh có CN chưa phát triển như Hà Tĩnh, Hà Nam, Bình Định, Bình Thuận... hiện cũng đã có trung tâm cung ứng dịch vụ này. Trong khi đó, Bình Dương - một tỉnh có CN phát triển đứng vào hàng đầu cả nước thì lại chưa có trung tâm này.

Cần có những bước đi chiến lược

Trước nhu cầu cấp bách hiện nay, việc đầu tư xây dựng một trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm, thử nghiệm trên địa bàn tỉnh là hướng đi cần thiết và cấp bách. Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX đã đề ra chương trình đột phá “Tập trung phát triển dịch vụ có chất lượng và hàm lượng công nghệ cao, gắn với phát triển CN, đô thị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng...” giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, ngày 10-2-2012, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 281/KH-UBND nhằm cụ thể hóa kế hoạch triển khai chương trình của Tỉnh ủy. Trong đó, nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ phân tích, thí nghiệm được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Đây là một bước đi mang ý nghĩa chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển CN nói riêng của tỉnh. Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm được hình thành, ngoài việc giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại, đáp ứng nhu cầu trước mắt của DN còn góp phần hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng dịch, an toàn lao động, bảo vệ môi trường... Ngoài ra, các trang thiết bị phân tích, phòng thí nghiệm còn có thể phục vụ hiệu quả vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ KHCN cho tỉnh. Có thể nói, phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ phân tích, thí nghiệm là góp phần phát triển CN nhanh và bền vững.

Theo số liệu thống kê của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học - Công nghệ, đến nay cả nước có 27/63 Trung tâm Ứng dụng trực thuộc các Sở Khoa học - Công nghệ vừa làm nhiệm vụ ứng dụng, vừa cung ứng dịch vụ phân tích, thí nghiệm.

(Nguồn: Website của Tổng cục TĐC)

NGUYỄN VĂN THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên