Phòng, chống bệnh lao: Tuân thủ điều trị để tránh lây lan trong cộng đồng

Cập nhật: 23-03-2019 | 07:35:28

Bệnh lao có thể chữa trị khỏi nếu người bệnh tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ. Thực tế, có một số bệnh nhân vì không tuân thủ điều trị nên đã làm tình trạng bệnh của mình trở nên nặng hơn, mắc phải lao kháng thuốc, gây tốn kém về thời gian và tiền bạc hơn khi điều trị...

 Khám tầm soát bệnh lao cho người nghi ngờ tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh

 Nhiều hoạt động phòng, chống

Thực hiện chương trình phòng, chống lao, trong những năm qua, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động. Mạng lưới lao đã được triển khai với quy mô toàn tỉnh, đến tận tuyến y tế cơ sở. Phạm vi hoạt động 9/9 huyện, thị, thành phố với 100% xã, phường. 100% dân số được tiếp cận các dịch vụ của chương trình chống lao. Hoạt động lồng ghép lao/HIV được Quỹ toàn cầu tiếp tục hỗ trợ để duy trì hoạt động trong toàn tỉnh. Công tác điều trị lao kháng thuốc (MDR) ở Bình Dương trong những năm qua được chương trình chống lao quốc gia quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động. Phòng khám điều trị ngoại trú MDR tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội (PCBXH) tỉnh được duy trì hoạt động. Từ đó, đã khám phát hiện, hội chẩn, thu dung điều trị và tái khám cho bệnh nhân MDR hàng tháng. Phòng điều trị nội trú MDR tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và điều trị MDR tại trại giam An Phước cũng được duy trì hoạt động hiệu quả.

Kỹ thuật xét nghiệm Gene- Xpert được mở rộng phạm vi chỉ định cho bệnh nhân lao phổi mới, tăng cường sàng lọc đối tượng nghi MDR. Trang bị thêm máy xét nghiệm Gene-Xpert tại Trung tâm PCBXH tỉnh và Trung tâm Y tế TX.Thuận An nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho bệnh nhân MDR. Hoạt động lao trẻ em được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác chẩn đoán phát hiện trẻ mắc lao mới và thu dung, quản lý điều trị, điều trị dự phòng cho trẻ em ≤5 tuổi tiếp xúc với nguồn lây. Trung tâm PCBXH đã phối hợp với Trung tâm Y tế 9 huyện, thị, thành phố tổ chức khám, sàng lọc lao trẻ em và tư vấn điều trị dự phòng cho trẻ tiếp xúc nguồn lây AFB (+).

Công tác phối hợp y tế công - tư trong quản lý bệnh lao (PPM) cũng được quan tâm thực hiện. Từ tháng 12-2014 đến nay, công tác này đã được triển khai và tiếp tục duy trì, phát triển, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh.

Bệnh lao có thể phòng, điều trị được

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Lượng, phụ trách Khoa Lao Trung tâm PCBXH tỉnh, lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao gây ra. Tuy nhiên, chỉ người mắc bệnh lao phổi mới là nguồn lây bệnh cho người khác qua đường không khí. Những quan niệm cho rằng bệnh lao là bệnh di truyền hay bệnh lao là do làm việc quá sức (còn gọi là “lao lực”)... đều là sai lầm. Bệnh lao có thể phòng và chữa khỏi nếu người bệnh được phát hiện sớm và chữa đúng cách.

Bệnh lao là bệnh gây tử vong hàng thứ 2 trong số các bệnh truyền nhiễm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người có HIV. Tất cả mọi người đều có thể mắc lao. Những người có sức đề kháng yếu sẽ có nguy cơ mắc lao cao hơn những người khác. Bác sĩ Lượng cho biết người mắc bệnh lao phổi khi ho, khạc làm bắn ra những hạt nước bọt nhỏ li ti có mang theo vi khuẩn lao bay vào không khí và phát tán ra xung quanh. Người khác khi hít phải vi khuẩn lao trong không khí có thể bị nhiễm lao.

Do đó, để tránh không mắc phải bệnh lao đối với người lành và sớm điều trị khỏi bệnh với người mắc lao, mỗi người chúng ta phải tự nâng cao ý thức, biết cách phòng tránh và điều trị kịp thời, đúng phác đồ của bác sĩ khi không may mắc phải bệnh lao. Để phòng chống, bác sĩ Lượng cho rằng trước tiên môi trường phải không có vi khuẩn lao. Với người bệnh, phải tuân thủ điều trị đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra và đủ thời gian mới hết bệnh được. Nếu không có người mắc bệnh lao phổi thì sẽ cắt được nguồn lây. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động đi khám nhằm phát hiện bệnh lao khi ho, khạc đàm kéo dài liên tục 2 tuần. Khi tiếp xúc với mọi người, người bệnh nên che miệng lại để không bắn nước bọt ra ngoài môi trường xung quanh. Việc nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cũng góp phần quan trọng trong việc phòng bệnh lao. “Để phòng bệnh lao, cần tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh theo lịch tiêm chủng; phát hiện sớm người mắc bệnh lao và điều trị cho đến khi khỏi bệnh để không lây lan cho những người xung quanh. Bên cạnh đó, cần bảo đảm điều kiện nhà ở, dinh dưỡng, vệ sinh để nâng cao sức khỏe...”, bác sĩ Lượng nói.

 Theo thống kê của Trung tâm PCBXH tỉnh, Bình Dương vẫn là tỉnh có số người mắc bệnh lao cao, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tình hình bệnh lao trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Lao các thể mắc mới tăng từ 117/100.000 dân (năm 2014) lên 140/100.000 dân (năm 2018). Tỷ lệ lao phổi mới có bằng chứng vi khuẩn học cũng tăng mạnh trong 5 năm qua, từ 61/100.000 dân (năm 2014) lên 81/10.000 dân (năm 2018). Số bệnh nhân mắc lao kháng thuốc cũng có xu hướng tăng, đặc biệt năm 2018 xuất hiện 5 ca tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc. Trung bình cứ 8 - 12 người đi xét nghiệm đàm thì phát hiện 1 người lao phổi. Tỷ lệ điều trị thành công năm 2018 là 91,6%, đạt mục tiêu chương trình đề ra.

 HỒNG THUẬN 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên