Phòng, chống bệnh nghề nghiệp: Còn nhiều nan giải

Cập nhật: 18-01-2021 | 07:58:03

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp với nhiều công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp thu hút số lượng đông đảo người lao động (NLĐ). Do đó, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ luôn được các ngành quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, những năm qua, nhiệm vụ này vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại và cần được khắc phục trong thời gian tới.

 Người lao động khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp

 Hạn chế quan trắc môi trường lao động

Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1.901 công ty được thực hiện quan trắc môi trường lao động. Con số này so với số lượng các công ty, xí nghiệp, cơ sở lao động đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh là rất thấp. Nguyên nhân chính chủ yếu do xã hội hóa lĩnh vực y tế lao động. Trước năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 1 đơn vị đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động. Từ năm 2017 đến nay, Bình Dương có 5 đơn vị công bố đủ điều kiện. Ngoài các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện quan trắc môi trường lao động, còn có các đơn vị dịch vụ có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các yếu tố có hại phát sinh do điều kiện, môi trường lao động mới đem lại nhiều nguy cơ bệnh tật cho NLĐ. Đặc biệt, yếu tố tâm sinh lý lao động, gánh nặng lao động chỉ thực hiện đánh giá được các thông số cơ bản, nhiều loại hóa chất chưa được các cơ sở lao động khai báo để thực hiện quan trắc, đánh giá.

Theo các cán bộ Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường tỉnh, hiện nay, còn quá nhiều khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe lao động cho NLĐ. Trong đó, cơ sở vật chất còn chật hẹp, xuống cấp chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; nhân lực còn thiếu, trình độ chuyên môn về vệ sinh lao động của cán bộ còn hạn chế, đặc biệt là ở y tế tuyến huyện nên việc thực hiện y tế lao động chưa đầy đủ; một số đơn vị y tế ngoài tỉnh không có kế hoạch phối hợp, báo cáo kết quả thực hiện khảo sát môi trường lao động tại các doanh nghiệp (DN) cho trung tâm nên số liệu không sát thực.

Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Các kết quả đánh giá sức khỏe NLĐ mới chỉ phản ánh được thực trạng môi trường lao động trong các DN có quy mô lớn, đầu tư nước ngoài. Các số liệu đánh giá của ngành y tế giai đoạn vừa qua vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế môi trường lao động chung cho các ngành nghề, đối tượng lao động có nguy cơ tiếp xúc yếu tố nguy hiểm, có hại cao trên phạm vi toàn tỉnh. Hiện vẫn còn tới trên 70% các cơ sở lao động chưa quan tâm thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động theo quy định, chủ yếu tập trung vào các cơ sở lao động vừa và nhỏ”.

Chưa quan tâm đúng mức sức khỏe NLĐ

Thời gian qua, hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ đã được các cơ sở lao động quan tâm thực hiện nhưng tập trung vào các DN có quy mô lớn, DN FDI. Trong tổng số hơn 2,5 triệu lượt lao động trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau được khám sức khỏe định kỳ thì có hơn 1,4 triệu lượt người có sức khỏe tốt loại 1 và 2, còn lại là loại 3, thậm chí loại 4, loại 5. Hiện nay, việc khám sức khỏe định kỳ mới chỉ dừng lại ở việc phân loại sức khỏe và phát hiện một số bệnh tật thông thường và cũng chỉ được thực hiện chủ yếu trong nhóm DN sản xuất phục vụ xuất khẩu, DN FDI. Tại các DN vừa và nhỏ, NLĐ chưa được quan tâm khám sức khỏe định kỳ.

Hiện nay, có 34 loại bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác khám bệnh nghề nghiệp chưa được người sử dụng lao động và NLĐ quan tâm thực hiện. Công tác khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định bệnh nghề nghiệp còn nhiều khó khăn, bị động từ phía cơ quan y tế và sự thiếu hợp tác, tuân thủ luật định từ phía người sử dụng lao động. Nhiều DN không muốn tổ chức khám bệnh nghề nghiệp hoặc thực hiện mang tính đối phó. Đơn vị cung cấp dịch vụ khám bệnh nghề nghiệp hạn chế về năng lực khám, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp. Nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ cho khám chẩn đoán còn thiếu.

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại này, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, hiện nay mạng lưới tổ chức triển khai thực hiện công tác y tế lao động từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, thị, xã, phường và y tế tại các cơ sở lao động chưa ổn định và chưa liên kết tốt trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe NLĐ và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Sự phối hợp giữa các ban, ngành trong công tác quản lý vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế. “Để khắc phục khó khăn này, ngành y tế đẩy mạnh công tác quản lý vệ sinh lao động với các khâu: Lập hồ sơ vệ sinh lao động, khảo sát môi trường lao động, giám sát và đôn đốc DN thống kê báo cáo, chỉ đạo và hỗ trợ các Trung tâm Y tế tuyến huyện thực hiện phân cấp quản lý cơ sở lao động theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh công tác khám phát hiện, điều trị và phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp; lập hồ sơ quản lý sức khỏe NLĐ, kể cả khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp. Ngành cũng tăng cường phối hợp liên ngành đẩy mạnh truyền thông, tham gia thanh tra, kiểm tra về vệ sinh lao động, đề xuất kịp thời các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, nâng cao sức khỏe NLĐ”, ông Huỳnh Thanh Hà nói.

 Giai đoạn 2016-2020, ngành y tế tỉnh đã tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 761 DN, tăng 20,25% so với giai đoạn trước đó. Trung bình mỗi năm, ngành khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 14.500 NLĐ. Điếc nghề nghiệp do tiếng ồn và các bệnh nghề nghiệp liên quan đến tiếp xúc hơi, khí hóa chất, tác nhân sinh học là những bệnh có xu hướng gia tăng ở các ngành, nghề: Hóa chất, sơn, xi mạ, giày da, cao su, chế biến gỗ và ở các cơ sở y tế.

 KIM HÀ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên