Phòng chống cháy nổ trong doanh nghiệp: Phòng cháy hơn chữa cháy

Cập nhật: 13-05-2019 | 08:22:16

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 80 vụ cháy, trong đó các vụ cháy xảy ra trong doanh nghiệp (DN) đã gây thiệt hại tài sản hơn 1.000 tỷ đồng. Chỉ khi xảy ra cháy, các DN mới thấy được hậu quả nặng nề về các thiệt hại tài sản, việc khắc phục hậu quả để trở lại sản xuất kéo dài, thậm chí có DN lao vào cảnh khó khăn sau sự cố cháy. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, công tác phòng cháy vẫn là trọng tâm, khi xảy ra cháy lại phụ thuộc vào lực lượng phòng cháy ở cơ sở. Nếu quan tâm đến công tác này, các DN có thể chủ động phòng ngừa và kịp thời xử lý tình huống khi xảy ra cháy.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Tính từ tháng 7-2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 80 vụ cháy, 2 vụ nổ, làm chết 12 người, bị thương 10 người, tài sản thiệt hại ước tính khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện (chiếm 78,75%), bất cẩn trong lao động, sinh hoạt của người dân (chiếm 11,25%); sự cố kỹ thuật của các thiết bị máy móc trong sản xuất và một số nguyên nhân khác như sét đánh, tự cháy (chiếm khoảng 10%)...

Lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp đang tiếp cận khống chế ngọn lửa không cho cháy lan. Ảnh: MINH DUY

Báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018, theo nhận định của UBND tỉnh, trong thời gian tới kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ; cùng với sự phát triển của các khu đô thị mới, các tổ hợp nhà cao tầng, siêu cao tầng, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ cũng không ngừng tăng lên, sẽ phát triển mạnh cả về số lượng lẫn quy mô. Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tăng nhanh, trong đó có rất nhiều cơ sở lớn có nguy cơ cháy, nổ cao ở các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh... dự báo sẽ làm gia tăng việc sử dụng các loại nguyên vật liệu, hàng hóa cùng với sự gia tăng mức độ sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt trong sản xuất, kinh doanh, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày đó là những yếu tố, điều kiện dễ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao, làm thiệt hại về người và tài sản sẽ diễn biến phức tạp hơn so với giai đoạn hiện nay.

Một vấn đề mà ngành chức năng quan tâm, lo lắng là ý thức trách nhiệm về PCCC của một bộ phận người dân và người đứng đầu các cơ quan, DN chưa cao, việc đầu tư trang bị phương tiện PCCC ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động tuyên truyền PCCC ở một số nơi còn nặng về hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng. Bên cạnh đó, hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC của các cơ quan từng lúc, từng nơi chưa phát huy đúng mức.

Làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội vừa qua, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho rằng chủ trương của tỉnh đưa các DN có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao vào khu, cụm công nghiệp tập trung có lực lượng PCCC chuyên nghiệp, cũng như hệ thống giao thông, cấp nước phục vụ công tác chữa cháy kịp thời. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị nhanh, một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao như kinh doanh gas, khí hóa lỏng, trạm xăng dầu nếu trước đây đều đạt chuẩn an toàn về phạm vi, khoảng cách với khu dân cư thì nay “lọt thỏm” giữa khu đô thị, khu dân cư đông đúc. Đây là một vấn đề mà ngành chức năng đang “lúng túng” trong việc tìm giải pháp để bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh của DN và an toàn cho cộng đồng dân cư.

Đại diện Sở Công thương cho rằng riêng trong lĩnh vực xây dựng cũng đã phát sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước, nhiều DN hộ kinh doanh sẵn sàng tìm cách “lách” và tránh né các quy định về công tác PCCC. Cụ thể, quy định công trình xây dựng cao từ 5 tầng trở lên bắt buộc phải có hệ thống PCCC nhưng chủ đầu tư có thể lách xây dựng sàn chỉ 4 tầng, tầng mái bên trên thì xây dựng mái che bịt kín như kinh doanh nhà nghỉ, karaoke cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy và khi xảy ra cháy có nguy cơ gây thiệt hại về người rất cao. Riêng về thể tích nhà xưởng theo quy định từ 5.000m3 trở lên buộc DN phải đầu tư hệ thống chữa cháy đạt chuẩn. Tuy nhiên, để bỏ qua khoản chi phí đầu tư này, DN, cơ sở sản xuất có thể tìm cách lách để không phải tốn chi phí đầu tư. Khi xảy ra cháy những hậu quả thiệt hại để lại cao nhiều lần so với khoản chi phí đầu tư.

Nhiều DN, các chủ đầu tư, chủ cơ sở trong quá trình hoạt động đã chấp hành các quy định của pháp luật về công tác PCCC. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ý thức của một số chủ đầu tư, chủ cơ sở chưa cao, còn chủ quan trong công tác PCCC, dẫn đến trong quá trình lập dự án, thiết kế, thi công công trình không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn PCCC, nhất là các quy định về thực hiện các giải pháp ngăn cháy và chống cháy lan, các điều kiện về an toàn thoát nạn, yêu cầu về báo cháy, chữa cháy và các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy…

Nâng cao nghiệp vụ PCCC cho DN

Tại buổi làm việc với đoàn Giám sát của Quốc hội, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng dù tỉnh đã quan tâm xây dựng lực lượng PCCC cũng như mạnh dạn đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác PCCC trên địa bàn, tuy nhiên, yếu tố làm tốt công tác PCCC vẫn quan trọng là đội ngũ PCCC ở cơ sở đủ năng lực để xử lý tình huống xảy ra cháy ngay từ khi đám cháy xảy ra. Điển hình trong vụ cháy xảy ra tại Công ty TNHH Pan Pacific Logistic ở KCN Sóng Thần 2 vừa qua, qua hệ thống camera an ninh phát hiện chỉ từ một sự cố điện đám cháy không lớn, nhưng những người có mặt tại hiện trường đã lúng túng và không xử lý kịp thời khiến hỏa hoạn bùng phát dẫn đến vụ cháy thiêu rụi toàn bộ nhà kho cùng nhiều hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng của các DN lưu giữ tại kho.

“Đối với các vụ cháy lớn ở các DN rất khó để dập tắt ngay, chúng tôi chỉ đạo lực lượng tập trung cho việc ngăn ngọn lửa không cháy lan sang các DN bên cạnh để giảm các thiệt hại. Trong vụ cháy tại Pan Pacific Logistic, nhờ tập trung ngăn ngọn lửa cháy lan, nhiều DN lân cận đã không bị ảnh hưởng”, ông Trần Văn Nam phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội.

Công tác PCCC ở cơ sở quan trọng, mặc dù tỉnh quan tâm chỉ đạo lực lượng tổ chức các buổi diễn tập tình huống PCCC ở cơ sở cho DN, nhưng giữa diễn tập và thực tế khi xảy ra cháy là rất khác biệt về nhiều điều kiện khách quan, kể cả chủ quan. Có DN đã từng được tổ chức diễn tập phương án PCCC rất công phu với sự phối hợp của lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không lâu sau tại DN này đã xảy ra vụ cháy lớn thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị như trường hợp Công ty TNHH White Fearthers International (KCN Mỹ Phước 2) và nhiều vụ cháy khác tại các DN mà lực lượng PCCC cơ sở tại DN đã không thể phát huy tốt khả năng ứng phó, xử lý ban đầu khiến lửa cháy lớn, cháy lan trước khi lực lượng PCCC có mặt xử lý. Thực tế các DN này đều đầu tư tốt hệ thống PCCC nhưng đội ngũ PCCC chưa thể đáp ứng và xử lý tốt. Năng lực của lực lượng PCCC ở cơ sở là một trong những tồn tại khiến các vụ cháy khi xảy ra không kịp thời dập tắt.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, một số công trình thi công lắp đặt hạng mục PCCC không đúng với thiết kế đã được duyệt; trong quá trình hoạt động nhiều cơ sở đã tự ý thay đổi công năng sử dụng công trình hoặc tự ý thay đổi thiết kế, cải tạo, cơi nới mở rộng diện tích sử dụng nhưng không báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC để hướng dẫn thực hiện các giải pháp PCCC. Bố trí các xưởng sản xuất, nhà kho nguyên liệu thành phẩm, bán thành phẩm, văn phòng làm việc trong cùng một nhà hoặc bố trí các khâu sản xuất dễ phát sinh nguồn nhiệt gần khu vực có nhiều hàng hóa, vật tư dễ cháy; sắp xếp hàng hóa, vật tư vượt quá tải trọng sử dụng so với thiết kế ban đầu, vi phạm khoảng cách an toàn chống cháy lan, lấn chiếm, cản trở lối thoát nạn… do đó đã xảy ra một số vụ cháy lớn.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 5.495 cơ sở thuộc diện quản lý về công tác PCCC, trong đó có 3.634 DN có nguy hiểm cao về cháy, nổ. Điển hình như các DN sản xuất gia công chế biến gỗ, DN sản xuất vải sợi, DN sử dụng, sản xuất là hóa chất, dung môi, Tổng kho xăng dầu Chánh Mỹ có trữ lượng 47.200m3, Kho xăng dầu Sông Bé trữ lượng 500m3, có 411 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 11 tổng đại lý kinh doanh khí hóa lỏng, 7 trạm nạp, 1.030 cửa hàng bán lẻ khí hóa lỏng, 106 chợ, 11 siêu thị, 3 trung tâm thương mại đang hoạt động, 9 khu dân cư, 26 nhà cao tầng.
Toàn tỉnh có 8.267,27 ha rừng chủ yếu ở các địa bàn huyện Dầu Tiếng, TX.Tân Uyên, huyện Phú Giáo và huyện Bắc Tân Uyên (trong đó rừng phòng hộ Núi Cậu có diện tích là 1.538,1 ha, rừng di tích lịch sử Kiến An là 245 ha...

MINH DUY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên