Phòng tránh tai nạn điện: Trách nhiệm chung

Cập nhật: 25-05-2015 | 08:35:30

Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ nhanh, với mức tăng trưởng bình quân trên 10%/ năm. Dù đã được tuyên truyền hướng dẫn về an toàn hành lang lưới điện nhưng tai nạn vẫn còn xảy ra, nguyên nhân là do chủ quan, bất cẩn. Từ thực tế đó, ngày 13-5-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 18/QĐ- UBND quy định trách nhiệm quản lý công trình lưới điện và xử lý các hành vi vi phạm an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Thế Nam, Trưởng phòng An toàn điện Công ty Điện lực Bình Dương cho biết:

 Ngành điện thường xuyên tổ chức bảo trì, bảo đảm an toàn đường dây điện trung thế Ảnh: D.CHÍ

Điện có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công nghiệp hóa, đô thị hóa và điện khí hóa. Hiện tại, có trên 99% hộ gia đình, người dân trên địa bàn đã được sử dụng điện lưới; tỷ lệ tiêu thụ điện năng của tỉnh tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Để đáp ứng yêu cầu đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị trực thuộc và UBND tỉnh đã đầu tư, phát triển nhiều công trình hạ tầng về điện nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân.

Tính chất quan trọng hàng đầu của điện là phải liên tục, ổn định nên khi xảy ra sự cố không chỉ gây tổn thất, thiệt hại về sản xuất, tài sản mà còn có thể dẫn đến chết người. Vì vậy, Nghị định 14/NĐ- CP của Chính phủ quy định bảo vệ hành lang lưới điện cao áp là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, chính quyền cơ sở cùng với ngành điện.

- Ông có thể nói cụ thể hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thông qua những việc làm hàng ngày nhằm bảo đảm an toàn lưới điện cao áp?

- Mỗi công trình lưới điện đều có quy định phạm vi an toàn cũng như hành lang bảo vệ. Những việc làm cụ thể hàng ngày là không được trồng cây, xây dựng công trình, vật kiến trúc trong phạm vi hành lang lưới điện hoặc gần hành lang lưới điện mà khả năng đổ ngã của cây, vật kiến trúc có thể chạm vào đường dây điện dẫn đến tai nạn. Khi thi công công trình, vận chuyển vật tư, xe máy, thiết bị dưới đường dây điện phải có người hướng dẫn bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định, đề phòng phóng điện dẫn đến tai nạn. Một số tai nạn thường gặp như thả diều gần đường dây điện, bắn chim, bắn kim tuyến trong các dịp lễ hội mà không bảo đảm an toàn đều có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp khi phát hiện sự cố, nguy cơ có thể dẫn đến sự cố về điện thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc điện lực gần nhất.

- Trên thực tế, nhiều công trình, nhà ở đã có trước khi phát triển lưới điện và nằm hoàn toàn trong hành lang lưới điện. Để bảo đảm an toàn, ông có lời khuyên gì cho các trường hợp này?

- Với các trường hợp trên, ngành điện đều đã có văn bản hướng dẫn, tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn hành lang lưới điện. Ngành điện cũng đã gắn biển cảnh báo, nguy hiểm cùng với bảng hướng dẫn an toàn cho người dân sống quanh khu vực. Cụ thể, khi cần sửa chữa nhà ở, công trình thì phải báo trước với địa phương, ngành điện để được hướng dẫn, bảo đảm an toàn; không được tự ý đưa vật dụng, phương tiện vào khu vực hành lang lưới điện để hoạt động có thể dẫn đến phóng điện, xảy ra tai nạn.

- Vì sao phải xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện, thưa ông?

- Tai nạn do điện gây ra thường để lại hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến chết người và có thể là nhiều người. Để đề phòng tai nạn điện, chỉ có phòng tránh bằng việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức. Riêng với các trường hợp không chấp hành các quy định an toàn, hành vi cố ý có thể dẫn đến tai nạn nguy hiểm hoặc đã được nhắc nhở mà không khắc phục thì phải xử phạt theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Xin được dẫn chứng một số vụ tại nạn thương tâm đã xảy ra vào dịp lễ hội rằm tháng giêng năm 2010: Trong lúc biểu diễn múa lân trên cây cao gần đường dây điện tại một xã của huyện Bến Cát (trước đây) đã xảy ra phóng điện làm chết và bị thương 8 người. Cũng tại địa phương này, gần đây đã xảy ra tai nạn khi cả nhà tham gia dựng anten bằng tre, không may anten ngã vào đường dây điện làm chết 4 người… Các tai nạn trên là hồi chuông cảnh báo cho mọi người về trách nhiệm bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.

DUY CHÍ (thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên