Quyết tâm không để “dịch chồng dịch”

Cập nhật: 26-04-2021 | 08:23:51

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở khu vực châu Á và các nước lân cận, các địa phương trong cả nước, trong đó có Bình Dương đã tiếp tục triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Kết hợp giữa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với các dịch bệnh (sởi, rubella, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng), Bình Dương quyết tâm không để “dịch chồng dịch”.

 Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19

 Tiếp tục phòng, chống dịch bệnh

Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch bệnh, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, Bình Dương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Hiện dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, song nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh trái phép. Thời gian qua, đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Với phương châm phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, Bình Dương đã xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình.

Theo ghi nhận của P.V, UBND các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Đặc biệt, các địa phương đang đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe... xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhằm bảo đảm phòng, chống dịch bệnh trong những ngày nghỉ lễ sắp tới, Bình Dương đã chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch bệnh; tăng cường tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Đặc biệt, ngành đã tổ chức tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-19 cho 2.223 người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để vắc-xin bị quá hạn.

Hiện nay, lực lượng công an, UBND các huyện, thị, thành phố đang tiếp tục tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép. Ngoài ra, các ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào làm việc, tổ chức tốt công tác cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ người hoàn thành cách ly.

Kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, trong hơn 4 tháng đầu năm 2021, bệnh SXH có số lượng mắc cao và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch do tác động của biến đổi môi trường, dân cư và ý thức bảo vệ môi trường, việc chủ động ngăn chặn nguồn bệnh chưa cao của người dân. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, số lượng các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, bệnh SXH ghi nhận 3.835 ca, tay chân miệng là 4.479 ca. Bệnh sởi giảm mạnh so với đỉnh dịch của những năm trước với số ca mắc bệnh rải rác là 137 ca. Dự báo, trong những tháng mùa hè, tình hình dịch bệnh có nguy cơ tăng cao và diễn biến phức tạp. Nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, quá trình đô thị hóa, sự gia tăng giao lưu đi lại... sẽ làm cho các dịch bệnh: Covid-19, sởi, SXH, tay chân miệng, rubella, bạch hầu, ho gà… có khả năng bùng phát dịch chồng dịch nếu không triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách quyết liệt.

Trong tình hình hiện nay, các cơ sở điều trị bệnh đã chủ động giám sát các ca bệnh sốt phát ban nghi sởi, viêm đường hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút, thủy đậu, quai bị, tay chân miệng… nhằm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tiến hành điều tra dịch tễ và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đối với các ca sốt phát ban nghi sởi nặng, viêm đường hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút…

Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết: Để hạn chế tới mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm tại địa phương, trung tâm đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 các cấp; tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; củng cố các đội phản ứng nhanh tại các tuyến nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, quyết tâm không để “dịch chồng dịch”.

 Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, trong hơn 4 tháng đầu năm 2021, bệnh SXH có số lượng mắc cao và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch do tác động của biến đổi môi trường, dân cư và ý thức bảo vệ môi trường, việc chủ động ngăn chặn nguồn bệnh chưa cao của người dân. Tuy nhiên, số lượng các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, bệnh SXH ghi nhận 3.835 ca, tay chân miệng là 4.479 ca. Bệnh sởi giảm mạnh so với đỉnh bệnh của những năm trước với số ca mắc bệnh rải rác là 137 ca.  

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên