Ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh:

Sẽ giám sát thực hiện mức lương tối thiểu vùng

Cập nhật: 28-11-2014 | 08:54:57

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho biết từ ngày 1-1-2015, Nghị định 103/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng (MLTTV) bắt đầu có hiệu lực. Hiện, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thị, thành phố; công đoàn (CĐ) ngành và tương đương, công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc LĐLĐ tỉnh tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện MLTTV năm 2015.

 Công nhân Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I) trong giờ làm việc Ảnh: T.THẢO

- Theo Nghị định 103/2014/ NĐ-CP của Chính phủ, MLTTV tại Bình Dương được tính toán thế nào, thưa ông?

- Theo Nghị định 103/2014/ NĐ-CP của Chính phủ, Bình Dương nằm trong vùng I và II. Cụ thể, TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, TX.Dĩ An, huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên sẽ thuộc vùng I với MLTTV là 3,1 triệu đồng. Còn lại, các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo thuộc vùng II với MLTTV là 2.750.000 đồng. Tuy nhiên, đối với NLĐ đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp (DN) tự dạy nghề hoặc được DN kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề), mức lương thấp nhất trả cho người lao động (NLĐ) phải cao hơn ít nhất 7% so với MLTTV. Cụ thể là 3.317.000 đồng đối với vùng I và 2.942.500 đồng đối với vùng II.

- Thưa ông, ngoài việc tăng thêm thu nhập, MLTTV còn có ý nghĩa như thế nào đối với NLĐ?

- MLTTV được dùng làm căn cứ để DN phối hợp với Ban Chấp hành CĐCS và NLĐ để thỏa thuận, xác định mức điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương ghi trong hợp đồng lao động và mức lương trả cho NLĐ một cách phù hợp. Theo đó, mức lương trả cho NLĐ phải bảo đảm các quy định của pháp luật lao động và tương quan hợp lý giữa lao động chưa qua đào tạo với lao động đã qua đào tạo và lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, giữa lao động mới tuyển dụng với lao động có thâm niên làm việc tại DN. Điều này cũng sẽ giúp cho NLĐ yên tâm lao động, sản xuất.

- Bên cạnh niềm vui đối với NLĐ, trong quá trình thực hiện nghị định này có phát sinh những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

- Mỗi khi điều chỉnh tăng MLTTV, có một số DN lợi dụng cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ hoặc làm trong điều kiện độc hại, nặng nhọc… Một số DN không chịu tăng lương cho NLĐ theo định kỳ dẫn đến sự so bì giữa lao động mới tuyển dụng và lao động lâu năm… Vì vậy, mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp lao động tập thể sẽ dễ xảy ra.

- Đâu là giải pháp để khi thực hiện tăng lương nhưng không tăng mối lo, nhất là vào thời điểm cuối năm như hiện nay?

- Cuối năm luôn là thời điểm nhạy cảm vì liên quan đến lương, thưởng tết… cộng với thắc mắc, kiến nghị khi tăng MLTTV. Nếu không có giải pháp phù hợp rất dễ xảy ra tranh chấp lao động tập thể. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh đã có chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thị, thành phố; CĐ ngành và tương đương, CĐCS trực thuộc LĐLĐ tỉnh tham gia và giám sát việc thực hiện MLTTV năm 2015. Cụ thể khi xây dựng, điều chỉnh thang lương, bảng lương, định mức lao động, người sử dụng lao động phải lấy ý kiến tổ chức CĐ đại diện tập thể lao động tại cơ sở và phải công bố công khai tại nơi làm việc của NLĐ trước khi thực hiện; đồng thời gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Khoảng cách của các bậc lương phải bảo đảm khuyến khích để NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng.

Khi thực hiện MLTTV, DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế đội bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của DN.

Đặc biệt, CĐCS cần phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, thông báo cho NLĐ biết việc thực hiện điều chỉnh tiền lương của DN; đồng thời nắm bắt và giải quyết kịp thời các kiến nghị, thắc mắc, đề xuất của NLĐ, không để xảy ra mâu thuẫn về tiền lương dẫn đến tranh chấp lao động tập thể.

 

THU THẢO (thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên