Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả

Cập nhật: 14-07-2017 | 08:46:10

Hội thảo “An ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội. Tại hội thảo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khẳng định, nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không còn là dự báo, mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng miền khắp cả nước.

Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian tới vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hơn 800.000 ha đất bị nhiễm mặn, hơn 400 ha đất bị nhiễm phèn (chủ yếu ở các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long An). Vùng trung du và miền núi phía Bắc có gần 2,3 triệu ha bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở. Còn vùng duyên hải Nam Trung bộ sẽ có gần 56.000 ha đất bị nhiễm mặn, 759.000 ha bị hoang hóa, sa mạc hóa (riêng huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, diện tích cồn cát và đất cát hoang hóa khoảng 35.000 ha).

Đối với khu vực Nam bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương là khu vực khá bằng phẳng với địa chất yếu và khá thấp, dễ bị ngập lụt và xâm nhập mặn. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm khoảng 61% tổng lượng nước mặt cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn do các quốc gia phía thượng nguồn phát triển thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát nước mặn, giữ ngọt đi kèm với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái giàu có, đa dạng trong khu vực. Với sự diện của trên 30.000 doanh nghiệp cùng dân số 2 triệu người, nhu cầu sử dụng nước tại Bình Dương luôn tăng cao qua từng năm. Trong khi đó, nguồn tài nguyên nước không phải là vô tận, nguy cơ suy giảm và thiếu hụt nước trong tương lai rất dễ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Để tránh nguy cơ về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, Bình Dương đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như: Điều tra thống kê nguồn dự trữ nước; hạn chế khai thác nguồn nước ngầm tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh; sử dụng nguồn nước hiệu quả tại các khu và cụm công nghiệp; xử lý nguồn nước thải để tái sử dụng...

Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khốc liệt hơn. Hy vọng, với sự chủ động và ý thức được những “kịch bản” có thể xảy ra dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên nước, Bình Dương sẽ sử dụng nguồn tài nguyên này khoa học, hiệu quả và đủ trữ lượng cần thiết cho thế hệ mai sau.

 HOÀNG PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên