Sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội: Thể hiện đúng tâm tư người lao động 

Cập nhật: 25-05-2015 | 08:05:38

Trong ngày làm việc thứ 2 của Quốc hội (QH), căn cứ báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Các vấn đề xã hội QH thống nhất sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) về việc hưởng BHXH một lần. Nhiều đại biểu đã thống nhất việc sửa đổi theo hướng linh hoạt phù hợp với nhu cầu của người lao động (NLĐ). Từ đó, NLĐ có thể chọn hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, hoặc hưởng một lần.

 

 Được hưởng bảo hiểm một lần là nguyện vọng của nhiều người lao động. Trong ảnh: Công nhân lao động Đông Hưng Group trong giờ sản xuất Ảnh: T.VY

 Theo Điều 60 Luật BHXH năm 2014 về bảo hiểm một lần được QH thông qua nhằm mục đích tăng số NLĐ được hưởng lương hưu, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài của NLĐ. So với luật cũ, luật mới sẽ mở ra hướng lựa chọn cho NLĐ việc hưởng bảo hiểm. Tuy nhiên, một số NLĐ không đồng tình, thậm chí phản ứng gay gắt làm ảnh hưởng đến quan hệ lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp.

Anh Đinh Văn Thiện, công nhân (CN) Công ty Phát triển (TP.Thủ Dầu Một) nói, khi mới nghe về Điều 60 Luật BHXH mới, CN trong công ty hoang mang và có nhiều ý kiến nhận định chưa đúng. Riêng bản thân anh là Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên công nhân ở khu phố 9, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một đã gặp gỡ, động viên CN trong khu nên bình tĩnh xem xét lại các điều khoản của luật, tránh tình trạng “ăn theo” đình lãn công. Sau khi QH đưa ra bàn luận sửa đổi Điều 60 Luật BHXH 2014 theo hướng có lợi cho NLĐ, đến nay ai cũng hài lòng, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Liên quan đến Điều 60, anh Phạm Ngọc Toàn, CN Công ty TNHH Scancom Việt Nam (KCN Sóng Thần 1, TX.Dĩ An), nói: “Với việc được lựa chọn hình thức hưởng bảo hiểm một lần, hoặc nhận lương hưu hàng tháng, nhiều người rất đồng tình trong đó có cả tôi. Như vậy, ai có điều kiện thì có thể kéo dài thời gian đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu theo đúng thời gian quy định hoặc xin nhận trợ cấp một lần để trang trải cuộc sống”.

Một thực tế cho thấy, khi luật đưa ra, nhưng công tác tuyên truyền để NLĐ hiểu lợi ích, điểm mới vẫn chưa tích cực, đi sâu đi sát với NLĐ. Việc tuyên truyền không chỉ là nhắc lại quy định mới, mà phải chỉ rõ cho NLĐ, chủ sử dụng lao động biết tại sao có những quy định mới và những ưu điểm có lợi hơn cho NLĐ như thế nào so với điều luật cũ... Ông Lê Văn Dắt, Chủ tịch Công đoàn Các KCN Bến Cát nói, khi nghe về Điều 60, Luật BHXH mới, hầu hết NLĐ không hài lòng. Họ đã kiến nghị và công đoàn ghi nhận gửi LĐLĐ tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản đề nghị QH xem xét lại Điều 60. Về phía Công đoàn Các KCN Bến Cát vẫn tiếp tục tuyên truyền để NLĐ bình tĩnh, an tâm và hiểu về lợi ích khi tham gia bảo hiểm cho tương lai.

Theo nhận định của LĐLĐ tỉnh, nhiều nguyên nhân khiến NLĐ không đồng tình với Điều 60 Luật BHXH. Theo đó, Việt Nam là một nước đang phát triển, thị trường lao động đang hoàn thiện, đa số lao động làm việc trong các doanh nghiệp là lao động đến từ khu vực nông thôn, chưa xác định trở thành lực lượng lao động công nghiệp, họ chỉ tạm thời làm CN một thời gian, sau đó trở về quê sinh sống và chuyển sang lĩnh vực khác như buôn bán nhỏ, sản xuất nông nghiệp... Hơn nữa, ở những ngành nghề này cần sử dụng lao động trẻ, nhanh nhẹn, tinh mắt nên họ không sử dụng lao động lớn tuổi. Đối với những người này, người sử dụng lao động luôn tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động với những NLĐ lâu năm. Mặt khác, đời sống của NLĐ trong các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nên chế độ BHXH một lần như một khoản để dành của NLĐ, khi cần thiết họ sẽ rút ra để giải quyết những vấn đề cấp bách, bức thiết trong cuộc sống như có khoản tiền cho con đi học, chữa bệnh, mua xe đi làm... Thời gian tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật hiện hành quá dài (20 năm). Nếu không còn là CN trong các doanh nghiệp, nhưng phải tiếp tục đóng BHXH tự nguyện một thời gian dài để được hưởng lương hưu là điều gần như không thể.

Ông Bùi Hữu Phong , Giám đốc BHXH tỉnh: Sửa đổi Điều 60 theo hướng linh hoạt sẽ nhận được sự đồng tình

 Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hữu Phong (ảnh), Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh.

 - Xin ông cho biết Luật BHXH cũ quy định BHXH một lần đối với người lao động (NLĐ) không đủ điều kiện hưởng lương hưu như thế nào?

- Luật BHXH cũ có nhiều điều giống Luật BHXH mới, theo đó, Điều 55 của Luật BHXH năm 2006, NLĐ được hưởng BHXH một lần khi thuộc các trường hợp sau: Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1, Điều 50 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; người ra nước ngoài để định cư.

- Khi đưa ra Điều 60, Luật BHXH mới, BHXH tỉnh có nhận được những phản hồi từ phía NLĐ?

- Khi Điều 60 Luật BHXH mới được đưa ra thảo luận, NLĐ trong tỉnh đã phản ứng rất nhiều. Do đó, BHXH tỉnh đã phối hợp với LĐLĐ tỉnh gửi công văn đến công đoàn, đơn vị để lấy ý kiến. Trong số đó cũng có những người đồng tình, người không đồng tình về việc sửa đổi. Những người đồng tình hầu hết là cán bộ quản lý bởi cuộc sống của họ khá đầy đủ. Số lượng người không đồng tình là công nhân lao động. Họ là những người dân từ các tỉnh đến với mong muốn làm một thời gian có tiền để về quê làm nông, hay buôn bán nhỏ; hoặc về quê an dưỡng tuổi già nên chưa nghĩ tới việc hưởng lương hưu sau này. Đồng thời, mức lương hiện nay của CNLĐ dệt may, gỗ… còn thấp cho nên chỉ trang trải cho cuộc sống hiện tại, chưa tạo sự an toàn cho tuổi già.

- Quốc hội thống nhất sửa Điều 60 của Luật BHXH theo hướng linh hoạt cho NLĐ được nhận trợ cấp một lần, với góc độ là giám đốc BHXH tỉnh, ông nhận định vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi được biết, hiện nay trên toàn quốc chỉ có khoảng 2 triệu người nghỉ hưu hưởng lương hưu, riêng Bình Dương có 20.000 người. Số lượng này rất ít so với số dân. Việc hưởng lương hưu không đơn giản chỉ là nhận tiền hàng tháng mà còn các chế độ khác như chăm lo y tế, sức khỏe, do đó việc được chăm sóc khi về già sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Thế nhưng, khi Điều 60 đưa ra nhiều NLĐ chưa hiểu hết ý nghĩa nên có những phản ứng. Bởi vậy, việc Quốc hội thống nhất sửa đổi Điều 60 theo hướng linh hoạt sẽ nhận được sự đồng tình. Bởi những ai lo xa họ sẽ đăng ký nhận lương hưu, những công nhân lao động cuộc sống còn khó khăn có thể nhận hưởng trợ cấp BHXH một lần.

Tuy nhiên, để làm thay đổi tư duy, nhận thức của NLĐ về Điều 60 Luật BHXH liên quan đến vấn đề này cần sự vào cuộc của các ngành chức năng có liên quan, cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền để NLĐ hiểu. Đồng thời, Chính phủ cần quy định rõ việc hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện để NLĐ yên tâm. Từ đó, họ sẽ vượt qua bản năng (nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền…) để đến với ranh giới của ngưỡng an toàn, chăm lo cho tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

  THIÊN LÝ (thực hiện)


 TỐ TÂM - THANH THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên