Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015: Nâng cao hiệu quả hoạt động 

Cập nhật: 19-11-2015 | 08:48:41

Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc cải cách nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Dương đã tích cực triển khai các phương án sắp xếp, đổi mới các DNNN và đã có những kết quả khả quan.


Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV đang tiến hành tái cơ cấu, dự kiến tháng 2-2016 bán cổ phần lần đầu.
Ảnh: HOÀNG PHẠM

Tái cơ cấu theo đúng lộ trình

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ qua Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015”, tỉnh Bình Dương đã xây dựng kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN, tái cơ cấu DNNN. Trong đó tập trung vào việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và thực hiện cổ phần hóa DNNN.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, theo kế hoạch, tỉnh Bình Dương có 2 tổng công ty gồm Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC), Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV (Thalexim) thực hiện tái cơ cấu. Tính đến nay Becamex IDC đã thực hiện thoái vốn 9/26 công ty thành viên, trong đó đã thực hiện thoái vốn 7 công ty và 2 công ty còn lại đang định giá giá trị doanh nghiệp, sẽ hoàn tất việc thoái vốn vào cuối năm 2015. Đối với Thalexim, về cơ bản đã hoàn thành các thủ tục, chỉ còn một số khó khăn trong việc định giá một số tài sản liên quan đến đất đai; về việc này tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành có liên quan giải quyết các vướng mắc. Dự kiến trong quý I-2016, sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu, chuyển thành công ty cổ phần và tổ chức bán cổ phần lần đầu.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai việc cổ phần hóa 4 doanh nghiệp thành viên 100% vốn nhà nước thuộc 2 tổng công ty, gồm Công ty TNHH MTV Cao su Bình Dương, Công ty TNHH Vật liệu và Xây dựng Bình Dương, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Dương, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương. Trong đó, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Dương đã chuyển đổi thành công ty cổ phần và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-6-2015. Đồng thời, tỉnh cũng đã hoàn thành việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương thuộc Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (doanh nghiệp thuộc hệ Đảng) và sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 12-2015.

Bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Tái cơ cấu DNNN đặt ra trong bối cảnh hiện nay không chỉ đơn thuần là sắp xếp, tổ chức lại mà đòi hỏi sự đổi mới có chiều sâu, đi vào những vấn đề cốt lõi để phát huy các tiềm năng, khắc phục những bất cập của DNNN, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của DNNN; đồng thời nâng cao hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại DNNN.

Đại diện Becamex IDC cho biết, trong giai đoạn 2011- 2015, mặc dù chịu sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và triển khai kế hoạch tái cơ cấu DNNN theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng Becamex IDC vẫn sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân giai đoạn 2011-2013 của công ty đạt 20%, giai đoạn 2014- 2015 đạt 7%, riêng năm 2012 có doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến do thực hiện các dự án với Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản).

Một vấn đề quan trọng sau khi thực hiện tái cơ cấu là các DNNN còn phải đối mặt với việc kế thừa một lực lượng lao động dôi dư đáng kể từ doanh nghiệp cũ chuyển sang. Đây có thể nói là lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, với việc linh hoạt trong quá trình sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước từ năm 2011 cho đến nay của các DNNN thuộc tỉnh Bình Dương, chưa có trường hợp giải quyết chính sách cho lao động dôi dư, người lao động vẫn được mua cổ phần ưu đãi theo quy định.

Ông Trần Thanh Liêm đánh giá, thực tiễn xây dựng và phát triển kinh tế của Bình Dương trong thời gian qua đã khẳng định, Becamex IDC và Thalexim giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài cho tỉnh. Bên cạnh đó, 2 tổng công ty còn quan tâm đến việc triển khai các dự án về giáo dục, y tế, văn hóa... nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.

“Với vai trò quan trọng như vậy, tỉnh cũng đã xin Chính phủ chấp thuận phê duyệt cho UBND tỉnh tiếp tục được thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 2 tổng công ty sau khi cổ phần hóa để tỉnh có công cụ và nguồn lực trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, giúp tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020”, ông Trần Thanh Liêm cho biết thêm.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương, từ năm 2011 đến ngày 10-11-2015, cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 63 doanh nghiệp. Riêng từ đầu năm đến hết tháng 10 năm nay, cả nước có 175 doanh nghiệp được sắp xếp, trong đó có 159 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 16 doanh nghiệp thực hiện các hình thức khác (4 doanh nghiệp thực hiện bán, 5 doanh nghiệp sáp nhập, 2 doanh nghiệp giải thể, 5 doanh nghiệp chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên).

 

HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên