Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm

Cập nhật: 10-02-2014 | 00:00:00

Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức tạp, sự xuất hiện của nhiều chủng virus cúm khác nhau trên cả người và động vật tại một số nước, ở Bình Phước đã có bệnh nhân tử vong do cúm gia cầm (ngày 18-1), Sở Y tế Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Trung tâm Y tế Cao su Dầu Tiếng, Bệnh viện 4 Quân đoàn 4 cũng như các cơ sở y tế ngoài công lập tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm A (H7N9)…  

Người tiêu dùng nên mua sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, không dịch bệnh

 Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, công tác phòng chống dịch bệnh trong đó có dịch cúm gia cầm A (H7N9, H10N8, H5N1, H5N2, H6N1) được triển khai đến các cơ sở y tế tập trung trước, trong và sau Tết Giáp Ngọ 2014. Theo đó, Bình Dương sẽ chủ động trong công tác phòng chống dịch từ hệ dự phòng, hệ điều trị cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ hơn. Sở chỉ đạo hệ dự phòng tuyến huyện tăng cường hoạt động giám sát, phối hợp với thú y kiểm tra tình hình dịch bệnh trên gia cầm. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh của năm 2014, chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch tốt, Sở Y tế cũng chỉ đạo củng cố các đội phòng, chống dịch cơ động, các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng đi điều tra, xử lý dịch khi có yêu cầu…

Đối với hệ điều trị, tổ chức tốt công tác trực phòng, chống dịch, trực cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, khi các chuyên gia, lao động các nước khác cũng như các tỉnh, thành trở lại làm việc cần tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh, đẩy mạnh công tác kiểm dịch y tế tại cảng Bình Dương, giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch vào địa phương. Kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định… Sở cũng đã lên kế hoạch kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong thời gian tới về việc phòng, chống dịch cúm cũng như tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Huỳnh Thanh Hà cũng nhắc nhở người dân nên thực hiện theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm như: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín uống sôi. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới và cơ quan y tế các nước: Năm 2013, chủng virus cúm A/ H7N9 đã lây nhiễm 147 người tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và gây tử vong 47 người; có 38 ca mắc và có 24 ca tử vong với chủng virus cúm A/H5N1, trong đó Cam¬puchia có 26 ca mắc và có 14 ca tử vong; Trung Quốc thông báo có 1 ca nhiễm cúm A/H10N8 và đã tử vong, chủng virus cúm này đã tìm thấy trên chim hoang dã và đã biến đổi, có khả năng lây lan sang người; Đài Loan đã phát hiện chủng virus A/H6N1 ở một bệnh nhân nữ. Đặc biệt từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã xuất hiện 11 ca nhiễm A/H7N9 và đã có 4 ca tử vong; ở Việt Nam tại Bình Phước đã có 1 ca tử vong do nhiễm cúm A/H5N1. Các chủng virus cúm gia cầm mới tìm thấy trên người và gây tử vong A(H7N9, H10N8 và H6N1) đều được tìm thấy trên gia cầm từ vài năm trước đây, nhưng đến nay mới lây nhiễm sang người.

• QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên