Tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu của tỉnh duy trì tăng trưởng cao

Cập nhật: 11-01-2019 | 08:20:22

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương ước đạt 25 tỷ 280 triệu USD, tăng 15,6% so với năm 2017 (vượt 0,1% so với kế hoạch năm 2018). Điểm đáng chú ý, trong năm qua, cả tỉnh xuất siêu gần 5 tỷ USD.

Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao

Năm 2018, các sản phẩm về gỗ trong tỉnh có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,021 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm trước. Điểm đáng chú ý là trong năm qua, hầu hết các mặt hàng gỗ xuất khẩu của tỉnh đều có kim ngạch xuất khẩu tăng, với lượng đơn hàng tăng 10 - 15% so với năm 2017. Các thị trường xuất khẩu gỗ chủ yếu của các doanh nghiệp trong tỉnh là Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều đạt mức tăng trưởng tốt. Trong khi đó, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu năm qua tăng trung bình từ 5 - 10% so với năm 2017.

 Năm 2019 được dự báo tiếp tục có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Bình Dương. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty May 3/2. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 2,731 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017; thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong năm 2018, cuộc chiến tranh thương mại Trung Quốc - Mỹ diễn ra được xem là cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam, khi nhiều đơn hàng của các nước có xu hướng chuyển dần từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt là từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu. Cùng với đó, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại trong những năm qua đã và đang tạo động lực cho các doanh nghiệp ngành dệt may đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi thuế quan. Điều đáng mừng nữa là trong năm qua, giá nguyên vật liệu ngành dệt may ổn định, chỉ tăng trung bình từ 3 - 5% so với năm 2017.

Đối với ngành hàng giày dép của tỉnh, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu đạt 3,055 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm trước. Ngành giày dép xuất khẩu của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng cao, hiện đang là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (chiếm 12,1%). Năm qua, việc ký kết và triển khai các hoạt động thực thi một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã và đang tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành da giày xuất khẩu của nước ta, đặc biệt là trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc tăng trưởng đơn hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương - Giám đốc Công ty May Quốc tế (xã An Điền, TX.Bến Cát), cho biết năm 2018 công ty đã thay đổi mô hình hoạt động từ gia công sang sản xuất. Từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất này, công ty đã chủ động hơn với khách hàng; doanh thu xuất khẩu của công ty cũng tăng lên; số lượng đơn hàng nhiều hơn, xuất khẩu cũng tăng so với năm 2017. Đến thời điểm này, công ty đã ký được đơn hàng đến hết tháng 5-2019. Còn bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An), cho hay năm 2018, xuất khẩu của công ty tăng khoảng 10% so với năm trước. Lượng đơn hàng của công ty trong năm 2019 dự tính sẽ tăng từ 5 - 7% so với năm 2018.

Tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo UBND tỉnh, dự báo tình hình thế giới và khu vực trong năm 2019 tiếp tục diễn biến phức tạp, những cơ hội và thuận lợi đan xen với các khó khăn, thách thức. Để ngành xuất khẩu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng cao, năm 2019 tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động sản xuất, xuất khẩu để đạt hiệu quả cao. Đồng thời, tỉnh khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh; phát triển dịch vụ logistics, ổn định tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại. Tỉnh cũng tiếp tục tổ chức các chương trình đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, kết nối thị trường trong và ngoài nước…

Theo bà Trang, với những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã và đang có hiệu lực, năm 2019 hứa hẹn có nhiều đơn hàng dành cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Lâm Việt thì chia sẻ, ngành gỗ sẽ có nhiều thuận lợi trong năm 2019, nhất là khi CPTPP có hiệu lực, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp nói chung, ngành gỗ nói riêng rất lớn. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu gỗ từ các quốc gia thành viên CPTPP mà Việt Nam nhập về sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi sẽ giúp ngành gỗ cả nước tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Liêm cho biết thêm, từ kết quả công ty đã đạt được trong năm 2018, cùng với những điều kiện thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia mang lại, dự kiến trong năm 2019 doanh thu của công ty sẽ tăng từ 30 - 40% so với năm 2018. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi đến nay công ty đã ký đơn hàng đến hết quý III-2019.

 Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của Bình Dương. Công nghiệp vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh và duy trì được mức tăng trưởng cao từ 12 - 15% so với năm 2018, trong đó sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, điện tử chiếm khoảng 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Riêng nhóm các mặt hàng nông sản của tỉnh, tuy có nhiều biến động về giá xuất khẩu nhưng trong năm qua vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định từ 5 - 7 % so với năm trước.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên