Tiêm phòng bệnh dại, chớ nên lơ là

Cập nhật: 18-11-2014 | 09:06:35

Ý thức của người dân về tiêm phòng bệnh dại đã được nâng cao. Cụ thể số người đi tiêm phòng tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các cơ sở y tế được đánh giá hơn 90%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại nếu người dân không biết để chủ động tiêm ngừa.

Cần tiêm ngừa khi bị vật nuôi cắn (ảnh minh họa)

Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, chúng tôi gặp khá nhiều người đến tiêm ngừa vì bị chó, mèo (thậm chí là chuột) cắn. Anh Trần Thọ (TX.Tân Uyên) đưa con gái 5 tuổi đi tiêm ngừa vì bị chó cắn, cho biết: “Con bé nhà anh qua nhà hàng xóm chơi và bị chó cắn chảy máu nơi cánh tay nên anh đưa cháu đi chích ngừa để gia đình yên tâm”. Một người khác thì bị chó cắn nhiều phải băng bó ở nơi bàn tay. “Sau khi bị chó cắn, chảy máu nhiều, người nhà đã xử trí vết thương, băng bó tạm thời và lập tức đưa tôi đến đây để chích ngừa”, anh Tuấn cho hay.

Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Vắcxin sinh phẩm - Kiểm dịch y tế của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Trong năm 2011 và 2012, trên địa bàn tỉnh vẫn có người bị chết vì chó dại cắn mà do nguyên nhân không đi tiêm phòng. Đây là điều rất đáng tiếc nếu như bà con không quan tâm, lơ là khi bị vật nuôi trong nhà hoặc chó, mèo thả rong cắn, cào, liếm gây xước da, chảy máu và có nguy cơ mắc bệnh dại”. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.674 người đi tiêm phòng dại (tăng 319 người so với cùng kỳ năm 2013); trong số đó, hơn 50% được tiêm phòng tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Nhìn chung, qua nhiều đợt tuyên truyền về phòng chống bệnh dại, ý thức của người dân đã được nâng cao trong việc bảo đảm an toàn sức khỏe của mình nếu không may bị vật nuôi cắn.

Bác sĩ Mỹ cũng cho biết cách xử trí khi bị chó, mèo cắn. Đó là nhanh chóng vệ sinh vết thương bằng xà phòng, cồn sát trùng. Phải cắt lọc phần cơ bị chó cắn nếu vết thương quá nặng, sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám, tư vấn. Tiếp đó là cần theo dõi kỹ chó, mèo đã cắn người trong 10 ngày (cho dù nó đã được tiêm phòng bệnh dại). Trong thời gian này, nếu con vật chết vì bất kỳ lý do gì thì người bị vật nuôi cắn cũng cần được tiêm kháng huyết thanh để không mắc bệnh dại và phải theo dõi chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm và 100% có nguy cơ tử vong nhưng nếu tiêm ngừa đầy đủ, kịp thời sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người khi bị vật nuôi cắn có thói quen làm theo các phương pháp dân gian như đắp lá, liếc dao qua vết thương hoặc bỏ qua, không chú ý đến việc bị chó cắn, không theo dõi vật nuôi cắn dẫn đến nguy cơ về tính mạng khi bệnh dại bộc phát.

Một điều cần lưu ý là cộng tác viên y tế cần làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền bệnh dại để nâng cao ý thức của người dân. Việc phối hợp giữa cán bộ thú y, cán bộ y tế trong tuyên truyền, thực hiện chiến dịch tiêm phòng dại trên vật nuôi cũng cần chặt chẽ, hiệu quả hơn để góp phần ngăn ngừa bệnh dại. Những bác sĩ ở phòng mạch tư cũng cần tư vấn kỹ cho người đến tiêm phòng khi họ bị chó, mèo cắn về tác dụng phụ của vắc xin, tránh uống rượu, bia trong thời gian tiêm ngừa 5 mũi vắc xin phòng dại theo yêu cầu.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên