Tìm giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể, đình công

Cập nhật: 07-10-2014 | 09:32:11

Từ nay đến cuối năm được xem là giai đoạn “nhạy cảm”, rất dễ xảy ra tranh chấp lao động tập thể (TCLĐTT), đình công (ĐC). Vì vậy, các cấp, ngành đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để hạn chế TCLĐTT - ĐC.

Chăm lo tốt đời sống NLĐ, góp phần hạn chế TCLĐTT - ĐC. Trong ảnh: Công đoàn cơ sở Công ty SungShin Vina, TX.Bến Cát tổ chức sinh nhật cho công đoàn viên

Tín hiệu vui

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 61 vụ TCLĐTT - ĐC tại 61 doanh nghiệp (DN), với khoảng 13.000 người tham gia. Trong đó, xảy ra ở 46 DN có vốn đầu tư ngước ngoài và 15 DN có vốn đầu tư trong nước. Con số này giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013 cả về số vụ, số người tham gia và cả thời gian xảy ra đình công (chỉ từ 1- 5 ngày). Cụ thể, đến thời điểm này của năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 77 vụ TCLĐTT - ĐC, với 31.000 người tham gia.

Có được kết quả ấy là nhờ công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và giải quyết TTLĐTT - ĐC kịp thời. Ban chỉ đạo tỉnh; các Tổ công tác liên ngành giải quyết TTLĐTT - ĐC không đúng pháp luật của các huyện, thị xã và thành phố và Ban Quản lý khu công nghiệp đã tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhằm hạn chế TTLĐTT - ĐC xảy ra. Về phía HĐND tỉnh cũng đã cùng ngành chức năng khảo sát, giám sát tình hình đời sống và việc làm của công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn. Song song đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị, thành phố tổ chức triển khai Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện, tập trung vào các quy định về mức lương tối thiểu vùng, việc chi trả tiền lương, tiền thưởng…; hướng dẫn DN về việc trích thưởng cuối năm và chi trả thưởng cho CNLĐ, tạo điều kiện về thời gian, phương tiện cho CNLĐ về quê trong dịp tết, đồng thời quan tâm, tổ chức chu đáo cho CNLĐ vui tết tại DN; trực tiếp làm việc với người sử dụng lao động, nhân sự, công đoàn cơ sở và CNLĐ ở những DN có nguy cơ đình công để giúp hai bên thương lượng, thỏa thuận những kiến nghị và giải quyết vướng mắc…

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Từ nay đến cuối năm được xem là giai đoạn “nhạy cảm”, rất dễ xảy ra TCLĐTT - ĐC. Vì vậy, các cấp, ngành đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để hạn chế TCLĐTT-ĐC. Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, phân tích từ nay đến cuối năm là thời điểm dễ xảy ra TCLĐTT - ĐC bởi là thời điểm Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng theo lộ trình. Vui thì vui chung nhưng sẽ có một số DN lợi dụng tăng lương tối thiểu vùng để không điều chỉnh tăng lương cho người lao động (NLĐ) theo quy định nên xảy ra sự so bì giữa công nhân cũ và công nhân mới. Rồi chế độ lương, thưởng tết...

Trước tình hình TCLĐTT-ĐC có nguy cơ xảy ra cao, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các ngành chức năng, địa phương phải tăng cường thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ. Trong đó, chủ động nắm chắc tình hình của DN, đặc biệt là việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật, gắn với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tránh tình trạng vi phạm kéo dài, dẫn đến mâu thuẫn xung đột trong quan hệ lao động. Các ngành chức năng cóliên quan, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh theo dõi sâu sát, DN nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài, sớm có giải pháp can thiệp, giải quyết kịp thời. Song song đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động DN thực tốt chính sách chăm lo cho NLĐ, nhằm ổn định tốt quan hệ lao động tại các DN; đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các tổ chức công đoàn, thực sự là cầu nối giữa người sử dụng lao động và NLĐ, xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa hai bên nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người công nhân; phát hiện những cá nhân, DN điển hình để kịp thời tuyên dương, nhân rộng.

Nguyên nhân TCLĐTT - ĐC là do người sử dụng lao động chưa tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Lao động, như: Chủ chưa thông báo về việc điều chỉnh tiền lương, mức thưởng và thời gian nghỉ tết; không nâng lương đến kỳ nâng lương; tổ chức làm thêm giờ nhiều; sa thải NLĐ không đúng quy định; chưa giao kết hợp đồng lao động đầy đủ với NLĐ; chậm trả lương và nợ tiền bảo hiểm xã hội của NLĐ... Về phía NLĐ còn có nguyên nhân khác như: Yêu cầu tăng lương, tăng các khoản phụ cấp, cải thiện bữa ăn; phản đối cán bộ quản lý có thái độ xúc phạm, quản lý hà khắc với NLĐ...

 

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên