Tồn kho công nghiệp còn ở mức cao

Cập nhật: 29-10-2012 | 00:00:00

Tại giao ban sản xuất kinh doanh của Bộ Công Thương vào sáng 29-10, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Tiến Vị cho biết, chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần qua các tháng, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn tiêu thụ sản phẩm.

 Than sạch tồn kho gần 9,4 triệu tấn. Tính đến ngày 1-10, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 20,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng thì chỉ số này đã giảm 0,1% so với 8 tháng.

Một số ngành đã điều tiết sản xuất nên lượng sản phẩm tồn kho giảm mạnh so với tháng trước như: Đường giảm khoảng 38%, thiết bị truyền thông giảm trên 73%, điện tử dân dụng giảm khoảng 14%, sản xuất mô tô, xe máy giảm khoảng 23%.

Tuy nhiên, lượng tồn kho của một số ngành vẫn còn cao, tăng từ gần 24% đến trên 56% như: Chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thuỷ sản; bia, thuốc lá; vải dệt thoi, may trang phục; phân bón và hợp chất ni tơ; sản phẩm từ plastic; ximăng; sắt, thép, gang; pin và ắc quy; dây và cáp điện và dây dẫn điện tử khác.

Bên cạnh đó, tình hình tồn kho một số sản phẩm chủ yếu của các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ cũng vẫn còn cao, như: Than sạch gần 9,4 triệu tấn; tinh quặng sắt gần 98.000 tấn; quặng sắt gần 126.000 tấn; quặng bauxite 1,1 triệu tấn; tinh quặng bauxite 158.000 tấn; quặng apatit 939.000 tấn; thép 93.300 tấn; phân urê khoảng 82.000 tấn; phân lân gần 350.000 tấn; phân DAP 47.300 tấn; ôtô các loại tồn kho 477 chiếc; giấy các loại tồn kho trên 17.000 tấn.

Theo ông Vị, thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 17-8-2012, nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đã được triển khai, trong đó có giải pháp ưu tiên sử dụng sản phẩm giữa các tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ.

Hiện các tập đoàn, tổng công ty cũng đã rà soát, đánh giá khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ cụ thể đối với các sản phẩm có tỷ lệ tồn kho cao và tổ chức Lễ ký thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, chủ trương tăng cường tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau giữa các doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu là hai kênh rất quan trọng để giảm tồn kho.

Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp này, Bộ Công Thương cần tăng cường kiểm soát thị trường tốt hơn nữa cũng như phối hợp với Hải quan để ngăn chặn hiệu quả các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ nhưng chất lượng kém tràn vào thị trường Việt Nam để giúp sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao, cạnh tranh và tiêu thụ tốt.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên