Ứng dụng CNTT để hình thành giáo dục thông minh

Cập nhật: 04-08-2014 | 00:00:00

Giáo dục thông minh (Smart.Edu) trong đó CNTT đóng vai trò quan trọng đang là mục tiêu mà nhiều chuyên gia hướng tới.

Với sự phát triển của CNTT, hoạt động giáo dục và đào tạo đang thay đổi từng ngày. Ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý, hoạt động dạy và học của các nước trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.

 PGS. TS Trương Gia Bình chia sẻ tại hội thảo. PGS. TS Trương Gia Bình chia sẻ tại hội thảo.

"Với sự bùng nổ của nền tảng SMAC (Social/mạng xã hội - Mobility/Di động - Analytic/phân tích dữ liệu lớn - Cloud / điện toán đám mây) trên thế giới đã và đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số (Digital Teaching Platform), cho phép phát triển những mô hình giáo dục thông minh trên nền tảng ứng dụng CNTT. Đây là cơ hội vàng cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo Việt Nam, tạo ra những con người sáng tạo vượt bậc góp phần đưa Việt Nam tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới", PGS. TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), chia sẻ. Ngày 1/8 tại Hà Nội, VINASA đã triển khai chương trình Smart.Edu 2014 nằm trong chuỗi hoạt động thúc đẩy ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục, đào tạo.

Ngày 9- 6, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 44/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Trong đó, ứng dụng CNTT vào công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề là một trong 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Tại hội thảo Smart.Edu, Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin Đại học Quốc gia Hà nội đã đưa ra những mô hình giáo dục hiệu quả với những trang thiết bị, giải pháp dạy và học thông minh đang được ứng dụng trên thế giới, qua đó cho thấy CNTT đã đưa được toàn bộ chuỗi tri thức "Lý thuyết - Kinh nghiệm - Thí nghiệm - Thực hành - Sáng tạo" vào lớp học. Tiến sĩ Việt cũng đề xuất một số giải pháp ứng dụng CNTT đột phá trong giáo dục, đào tạo.

"Hệ thống kiểm tra, thi cử hiện tại của chúng ta bất cập vì đo sai cái cần đo. Cái cần đo không phải là trí nhớ, là kiến thức theo ý thầy mà phải đo được độ thông minh, sự tăng trưởng kỹ năng, thông minh của học sinh", PGS.TS Nguyễn Hữu Chí, Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ và cho rằng để ứng dụng CNTT vào giáo dục các nhà làm chính sách, các nhà trường phải đổi mới nhận thức và tư duy, chứ không chỉ đơn thuần là xây dựng một giáo trình mới hay trang bị những thiết bị tối tân cho nhà trường là xong.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Smart.Edu 2014 đã được trải nghiệm trực tiếp các giải pháp CNTT tiên tiến trong giáo dục và đào tạo là như Hệ sinh thái quản lý trường học theo mô hình điện toán đám mây QLTH.VN của MISA. Giải pháp này hoạt động trực tuyến, không cần phải cài đặt trên máy tính và có giao diện cá nhân hóa, đồng thời cung cấp thông tin liền mạch, chặt chẽ giữa nhà trường, học sinh, phụ huynh với các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, hội thảo còn giới thiệu một số sản phẩm khác như Giải pháp trường học của Samsung, Giải pháp thư viện tổng thể cho thư viện trường học, Ứng dụng CNTT trong đào tạo tiếng Anh của công ty Be Online...

Theo VnE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên