Viễn thông 2014: Định đoạt số phận nhiều ông lớn

Cập nhật: 13-02-2014 | 00:00:00
Tiến trình tái cấu trúc thị trường viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông đã bước vào giai đoạn quyết định. Kỳ vọng sẽ có những cuộc “lột xác” ngoạn mục trong năm nay.

  Số phận của các thành viên VNPT sẽ được định đoạt trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh Số phận của các thành viên VNPT sẽ được định đoạt trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh

Đầu tiên phải nhắc đến thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, theo đó, Chính phủ yêu cầu quyết liệt thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014, trong đó có các “nắm đấm chủ lực” của ngành viễn thông - công nghệ thông tin là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC)…

Thứ hai, sau một thời gian phát triển “nóng”, thị trường viễn thông đã đi vào giai đoạn bão hòa. Do vậy, để tồn tại, các nhà mạng phải có chiến lược đầu tư, phát triển bền vững.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đó, nhiều nhà mạng đã tỏ ra đuối sức. Thị trường đã chứng kiến việc EVN Telecom sáp nhập vào Viettel đầu năm 2011 và S-Fone “chết lâm sàng” từ năm 2012.

Một nhà mạng khác cũng đang rất khó khăn là Gmobile của Gtel. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp viễn thông bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi giấy phép cung cấp mạng viễn thông ảo (như Đông Dương Telecom, VTC) và một số doanh nghiệp khác bị thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

Rõ ràng, thị trường viễn thông không còn là cây hái tiền, mà thậm chí là hố sâu đối với các doanh nghiệp không đủ tiềm lực. Trong bối cảnh đó, câu chuyện khai tử, hợp nhất, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp viễn thông tất yếu sẽ xảy ra và năm 2014 được xem là thời điểm tốt cho các bên thực hiện tái cấu trúc.

Thứ ba, năm nay được xem là năm quyết liệt tái cấu trúc, bởi cả 3 nhà mạng chiếm hơn 97% thị phần viễn thông của Việt Nam là Viettel, MobiFone và VinaPhone sẽ bước vào giai đoạn quyết định phương án tái cấu trúc.

Đối với VNPT, chủ sở hữu của MobiFone và VinaPhone, nhiều khả năng, Đề án Tái cấu trúc Tập đoàn VNPT sẽ được Chính phủ phê duyệt ngay trong quý I này. Theo đó, số phận của 2 nhà mạng MobiFone, VinaPhone sẽ được định đoạt là nhà mạng nào sẽ tách khỏi VNPT…

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo VTC xây dựng, báo cáo Bộ triển khai phương án tách Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC về trực thuộc Bộ theo Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013 của Chính phủ. Sau đó, sẽ xây dựng phương án tổ chức lại VTC để phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Quyết định số 929/QĐ-TTg.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietNamPost) tập trung nghiên cứu, đề xuất để kiện toàn mô hình tổ chức phù hợp với xu thế kinh doanh dịch vụ bưu chính trên thế giới cũng như xu hướng phát triển của ngành.

Đối với Viettel, Thủ tướng đã có Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 17-5-2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Viettel giai đoạn 2013 - 2015. Theo Đề án đã được phê duyệt, Viettel sẽ có 11 đơn vị, 63 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trong nước hạch toán phụ thuộc công ty mẹ, 5 công ty TNHH một thành viên là đơn vị độc lập do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ và Viettel sẽ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 7 đơn vị, nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 4 đơn vị. Viettel cũng sẽ phải thoái vốn tại 5 công ty cổ phần khác.

Như vậy, Viettel sẽ phải thực hiện sắp xếp, đổi mới, thành lập, thoái vốn tại nhiều tổng công ty, công ty con của mình.

Lý do cuối cùng là việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những động thái rất quyết liệt, đốc thúc tiến trình tái cấu trúc các doanh nghiệp trong ngành.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quán triệt tinh thần của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, xác định việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước chịu sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014, ngay từ những ngày đầu năm, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, trọng tâm là việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, an ninh - quốc phòng; tạo lập thị trường sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông đa dạng hóa loại hình dịch vụ và nâng cao trình độ phát triển, tập trung phát triển ngành bưu chính, viễn thông, tăng cường sử dụng các nguồn lực theo cơ chế thị trường, sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng cao.

Với những tín hiệu và động thái trên, năm 2014, thị trường viễn thông sẽ chứng kiến một cuộc “lột xác” của các doanh nghiệp viễn thông, qua đó sẽ hình thành những tập đoàn, tổng công ty mạnh.

Theo Dân trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=346
Quay lên trên