VietGAP: Góp phần hình thành tư duy công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 10-11-2016 | 08:52:28

Tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) là một trong những quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế… nông sản an toàn được ngành chức năng khuyến khích áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Tại Bình Dương, thời gian qua, nhiều hộ và chủ trang trại đã áp dụng VietGAP vào sản xuất, nhất là theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc áp dụng VietGAP đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và từng bước tạo thương hiệu cho nông sản của Bình Dương trên thị trường. Trong ảnh: Trang trại nấm bào ngư của anh Đoàn Lai Uyên (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) Ảnh: HOÀNG PHẠM

Áp dụng trên nhiều mô hình

Theo chân “vua quýt” Lê Văn Phấn (xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng) tham quan mô hình trồng quýt đường với diện tích hơn 10 ha, chúng tôi khá ngạc nhiên trước sự đầu tư bài bản trong canh tác của ông. Xen kẽ những hàng quýt là hệ thống phun nước tự động. “Trước đây, việc trồng cây ăn trái chủ yếu theo kinh nghiệm ông bà để lại, từ việc chọn giống, canh tác cho đến thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất ra nông sản an toàn, nông sản sạch được chú trọng nhiều hơn. Với quy trình VietGAP sẽ tạo ra quy trình sản xuất khép kín từ khâu chọn giống đến thu hoạch; trong đó việc dùng thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Điều này giúp cho sản phẩm an toàn và góp phần bảo vệ môi trường”, ông Phấn cho biết.

Trong khi đó, với mô hình trồng ớt lấy hạt giống trong chậu ứng dụng công nghệ nhà màn tự động và hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel của gia đình, anh Huỳnh Đoàn Thông, ở xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng khẳng định, công nghệ gắn với sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả tốt. Theo anh Thông, bằng công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ tiết kiệm từ 30 - 60% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Cùng với đó, qua hệ thống có thể mang nước, phân bón đến đúng địa chỉ với liều lượng vừa đủ được máy tính kiểm soát.

Bên cạnh đó, nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, thời gian qua nhiều hộ và chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng để xây dựng trang trại, mô hình sản xuất theo VietGAP. Bà Vũ Thị Huê, ở xã An Bình, huyện Phú Giáo cho hay, qua các phương tiện truyền thông và tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm sạch, cùng với đó sau khi tham khảo các mô hình gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để trồng cây dưa lưới áp dụng công nghệ cao. Trên diện tích 2.000m2, gia đình bà đã xây dựng mô hình nhà lưới khép kín có nylon bao phủ; lưới bằng sắt và bằng nhựa bên ngoài để chống côn trùng, bên trong sử dụng hệ thống phun tưới tự động, đo nhiệt độ…

Với mục đích hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả có múi ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi xã Hiếu Liêm. Theo đó, dự kiến trong 4 năm (2014-2017), sẽ có 12 ha cây bưởi da xanh, cam và quýt đường đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tham gia dự án có 8 hộ ở xã Hiếu Liêm; trong đó có 6 hộ trồng mới với diện tích 7 ha (bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn, quýt đường) và 2 hộ thâm canh với diện tích 5 ha (cam sành).

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai trên địa bàn tỉnh như trang trại chăn nuôi heo của anh Phạm Văn Tạo (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng), trang trại nuôi chim yến của ông Nguyễn Quang Quý (xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng), trang trại trồng lan…

Nguồn thu ổn định, bền vững

Ghi nhận cho thấy, thực hiện sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tư ban đầu khá cao, trung bình từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại là không hề nhỏ. Theo ông Trần Minh Dũng, ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, việc ứng dụng công nghệ trại lạnh trong nuôi gà trắng hiện nay người nuôi không tốn chi phí về nhân công, bởi tất cả các khâu trong chăn nuôi đều sử dựng hệ thống kỹ thuật hiện đại, gà được nuôi ở nhiệt độ ổn định nên nhanh lớn, không xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, với diện tích 2.000m2, tổng đàn gà mỗi đợt 15.000 con, ông nuôi khoảng 45 - 50 ngày là xuất chuồng. Mỗi năm ông nuôi 4 đợt, sau khi trừ chi phí mô hình này cho ông thu lãi trên 700 triệu đồng.

Tương tự, mô hình trồng ớt lấy hạt giống trong chậu của anh Huỳnh Đoàn Thông có diện tích 8.200m2 cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với hơn 11.000 cây ớt giống, thời gian trồng, thụ phấn, cho thu hoạch khoảng 6 - 7 tháng; mỗi đợt thu hoạch ông lãi trên 150 triệu đồng. Đối với mô hình ứng dụng công nghệ hệ thống tưới nước tự động trên trang trại quýt đường của ông Lê Văn Phấn, mỗi ha cho thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng/ năm. Với 37 ha quýt đường hiện nay, mỗi năm ông thu lãi vài tỷ đồng...

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản phẩm của các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP trên địa bàn tỉnh đều đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên dễ tiêu thụ với mức giá ổn định. Không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP còn giúp nông dân các địa phương nâng cao nhận thức về vấn đề chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh. Do đó, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là theo định hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh là hướng đi tất yếu nhằm nâng cao chất lượng nông sản, để các sản phẩm nông sản của Bình Dương đủ sức cạnh tranh, vươn ra thị trường.

 

 KHÁNH ĐĂNG

 

 

Chia sẻ bài viết
Tags
VietGAP

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên