Xây dựng sân chơi cho công nhân: Nhu cầu cấp thiết

Cập nhật: 06-05-2015 | 08:14:08

Công nhân lao động (CNLĐ) sau giờ làm việc căng thẳng, họ cần có sân chơi giải trí lành mạnh để rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần. Thế nhưng, sân chơi dành cho CNLĐ hiện còn thiếu…

CNLĐ vui khi được tổ chức sân chơi thể thao. Trong ảnh: Giải bóng đá mi ni nam - nữ công nhân viên chức - lao động TX.Dĩ An

Doanh nghiệp chủ động tạo sân chơi

Liên tục 9 năm qua, cứ vào dịp Tháng công nhân Việt Nam, công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Giày Thông Dụng (TX.Thuận An) lại tổ chức giải bóng đá nam - nữ. Năm nay, giải diễn ra sôi nổi, thu hút 20 đội bóng đá nam, 10 đội bóng đá nữ đến từ các công đoàn bộ phận. Giải thực sự là ngày hội vui chơi, giải trí cho cả người tham gia thi đấu và cả những cổ động viên. Bởi người chơi, người cổ vũ đều có tinh thần chơi hết mình. Công nhân (CN) Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Hàng ngày, chúng tôi cặm cụi với dây chuyền sản xuất khá căng thẳng, chẳng mấy dịp được tham gia hoạt động giải trí, nên trước giải đấu ai cũng háo hức. Mong rằng công ty có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa để chúng tôi tham gia. Giải bóng đá không chỉ khơi dậy tinh thần đoàn kết, hăng say lao động, mà còn nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân”.

Là doanh nghiệp (DN) có gần 3.000 CN, Công ty TNHH Nitto Denko (KCN VSIP II) là một điển hình về tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho CNLĐ. Anh Đỗ Quang Trung, Chủ tịch CĐCS công ty cho biết, Nitto Denko đã xây khu thể thao liên hợp với sân bóng chuyền, bóng đá mini, phòng đọc sách… phục vụ gần như miễn phí cho người lao động (NLĐ). Hàng năm, công ty đều tổ chức các giải hội thao truyền thống với 22 nội dung, tổ chức chương trình văn hóa văn nghệ thu hút các DN khác tham gia. Thiết thực hơn nữa là hàng năm Nitto Denko đã cho NLĐ được thêm 21 ngày nghỉ cố định, tổ chức du lịch, nghỉ dưỡng.

Đối với NLĐ đang làm việc tại Công ty TNHH Fujikura Fiber Optics Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore), họ gắn bó với nơi này không những do chế độ lương, thưởng cao mà còn được tạo sân chơi văn nghệ, thể thao. Hàng năm, công ty đều tổ chức giải bóng đá toàn công ty, việt dã, thi cắm hoa, nấu ăn… Bên cạnh đó, công ty luôn động viên, khuyến khích những người có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả và thường xuyên tổ chức giải thi đua chọn sáng kiến hay để khen thưởng. “Tôi cảm thấy thật sự hài lòng khi được công ty tạo nhiều sân chơi giải trí cho CN. Với tinh thần thoải mái, cộng với đời sống vật chất khấm khá, chúng tôi càng có động lực để làm việc thật tốt, đưa công ty phát triển mạnh”, CN Đinh Thị Lành nói.

Nâng cao đời sống tinh thần cho CN

Ngoài việc chủ động chăm lo cho CNLĐ của các DN, CĐCS các công ty, Bình Dương còn quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa - thể thao để đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân nói chung và NLĐ nói riêng. Thông qua đó, các Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường đã thường xuyên tuyên truyền cổ động trực quan, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giới thiệu sách, báo và ảnh chuyên đề phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bên cạnh đó, một số trung tâm còn chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể để liên kết tổ chức các hoạt động liên quan, hội thi, hội diễn, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thi đấu TDTT, thông tin lưu động; mở các câu lạc bộ sinh hoạt đội, nhóm phục vụ nhân dân, CNLĐ. Qua 5 năm thực hiện (2010-2014) đã có trên 3.000 lượt cơ quan, đơn vị, DN tổ chức các hoạt động, hội diễn văn hóa văn nghệ, hội thao cho CNLĐ giao lưu, học tập kinh nghiệm, thư giãn sau những ngày làm việc.

Theo ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua, ngành văn hóa - thể thao và du lịch, UBND các huyện, thị, thành phố không ngừng nỗ lực huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần cùng với nhà nước tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao; nâng cao mức sống văn hóa tinh thần cho người dân, NLĐ. Nhiều DN, cá nhân, đơn vị kinh tế đã phối hợp hiệu quả với ngành chức năng và các địa phương tài trợ tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao; đồng thời đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng phát triển thiết chế, như hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao Công ty Cao su Dầu Tiếng, Công ty Cao su Phước Hòa, Nhà hát Mỹ Phước, Nhà hát Công viên Thanh Lễ, Cụm sân thể thao bóng đá - quần vợt Mỹ Phước, Trung tâm Thể thao cộng đồng…

Có thể thấy, việc hình thành các sân chơi cho NLĐ đã góp phần tạo ra những sân chơi giải trí lành mạnh, định hướng nhu cầu giải trí trong CNLĐ, góp phần giảm đi những tệ nạn xã hội... Do vậy, một trong những yêu cầu cấp bách được đặt ra là các ngành chức năng cần có những định hướng và giải pháp chặt chẽ, đồng bộ, tăng cường sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho lực lượng CNLĐ đang sinh sống và làm việc ở các khu, cụm công nghiệp.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên