Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 6.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV cho con là 35%, như vậy mỗi năm sẽ có khoảng hơn 2.000 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Tham vấn sản phụ
Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng sớm thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn khoảng 2% đến 6%, đồng nghĩa với việc có thể cứu được hơn 1.600 trẻ em không bị lây truyền HIV từ mẹ. Nếu chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện tốt thì đến năm 2015 nước ta có thể đạt tới kết quả không có trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ bị nhiễm.
HIV lây truyền từ mẹ sang con bằng cách nào?
HIV có thể lây truyền trong khi mang thai thông qua bánh nhau từ rất sớm, khi thai được 8 tuần tuổi cho đến suốt quá trình mang thai. Nói cách khác, HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ (3 tháng đầu, 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối). HIV có thể lây truyền trong giai đoạn chuyển dạ, do đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với virút có trong dịch âm đạo, nước ối, hoặc máu của mẹ có chứa HIV, hoặc do sự trao đổi máu mẹ - thai nhi khi chuyển dạ. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ tăng lên nếu có: đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn..., thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh kéo dài.
Sau khi đẻ, HIV có thể lây truyền qua sữa mẹ. Do HIV có trong sữa mẹ nên khi bú, HIV có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của trẻ và lây nhiễm cho trẻ, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng (tưa miệng, viêm họng). Trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt, hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong miệng của trẻ. Nguy cơ lây truyền HIV qua bú sữa mẹ sẽ tăng lên nếu mẹ nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS vì nồng độ HIV trong máu mẹ cao hoặc sau khi sinh con vào thời kỳ cho con bú mẹ mới bị nhiễm HIV. Thời gian cho trẻ bú càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV sang con càng lớn.
Muốn được dự phòng kịp thời, phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm HIV sớm trong 3 tháng đầu của thai kỳ để biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.
Vì sao nói “Xét nghiệm cho mẹ, hy vọng cho con”?
Cũng như tất cả mọi người, phụ nữ mang thai chỉ biết được mình có bị nhiễm HIV hay không bằng cách xét nghiệm. Nếu biết sớm tình trạng nhiễm HIV, tham gia sớm vào Chương trình Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV rất có hy vọng không bị lây nhiễm.
Phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng cách nào?
Để phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con cần làm giảm nồng độ HIV trong máu mẹ, bằng cách uống ARV (thuốc kháng vi rút) dự phòng sớm từ tuần thứ 14 cho đến lúc sanh.
Trẻ sanh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được uống ARV dự phòng ngay sau đẻ và không bú sữa mẹ. Tốt nhất là trẻ được bú sữa bột thay thế sữa mẹ hoàn toàn. Nếu không đủ điều kiện thì cho trẻ bú mẹ hoàn toàn và cai sữa sớm. Không nên cho trẻ bú hỗn hợp vừa sữa mẹ, vừa sữa bình vì làm tăng khả năng lây nhiễm của trẻ.
Khi tham gia vào chương trình Phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con, thai phụ được lợi gì?
Thai phụ sẽ được tư vấn và xét nghiệm HIV (miễn phí nếu thai phụ đến các cơ sở tuyến quận/huyện, phường xã). Thai phụ nhiễm HIV sẽ được cấp miễn phí thuốc ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tuần thứ 14 hoặc sớm hơn nếu có chỉ định điều trị.
Khi vào chuyển dạ, thai phụ nhiễm HIV mà chưa được uống thuốc dự phòng trong thai kỳ sẽ được cấp thuốc dự phòng muộn (1 viên NVP). Sau sinh, sản phụ nhiễm HIV sẽ được tư vấn KHHGĐ, cách nuôi và chăm sóc trẻ, cấp bao cao su miễn phí; mẹ và con sẽ được chuyển gửi đến các đơn vị điều trị HIV ngoại trú. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sẽ được cấp sữa miễn phí đến 18 tháng, được xét nghiệm PCR miễn phí vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6, được tiêm HBIg để phòng ngừa lây nhiễm vi rút viêm gan B nếu mẹ đồng nhiễm HIV và vi rút viêm gan siêu vi B.
BS.CK1 NGUYỄN NGỌC LAN HƯƠNG
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe T4G)