Bài toán khó đối với nhiều địa phương

Cập nhật: 26-03-2012 | 00:00:00

Để xây dựng xã nông thôn mới (NTM), tiêu chí về cơ cấu lao động (LĐ) được nhiều địa phương cho là khó thực hiện được. Thực tế cho thấy việc chuyển dịch cơ cấu LĐ tại nông thôn Bình Dương tuy đã có những dấu hiệu tích cực nhưng còn chậm... Chuyển dịch cơ cấu lao động cần kết hợp với sự chuyển dịch trong kinh tế nông nghiệp của từng địa phương

Thách thức với tiêu chí 12

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí số 12 đối với vùng Đông Nam bộ là xã NTM có tỷ lệ LĐ trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 20%. Với Bình Dương, tuy là tỉnh có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh nhưng cư dân sống tại vùng nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ cao, vì vậy số LĐ trong nông nghiệp vẫn còn nhiều. Để có thể thực hiện được mục tiêu này cho các xã được chọn xây dựng xã NTM trong thời gian tới là phải tiếp tục chuyển dịch cơ cấu LĐ. Thực tế cho thấy ngay tại những xã được chọn thí điểm thực hiện thành công xã NTM trong năm 2013 thì tỷ lệ LĐ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao. Với tình hình phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế trang trại với quy mô lớn, phương thức sản xuất hiện đại theo chiều hướng bền vững thì việc chuyển dịch cơ cấu LĐ đòi hỏi cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.

Mặt khác, công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn trong thời gian qua còn gặp phải một số khó khăn nhất định, chưa hỗ trợ nhiều cho việc chuyển dịch cơ cấu LĐ tại khu vực nông thôn. Song song đó, việc duy trì các làng nghề truyền thống tại một số xã hiện nay đang gặp phải nhiều trở ngại lớn, làng nghề tại một số xã chưa thu hút được nhiều người tham gia. Hiện nay, tại một số xã vùng nông thôn của các huyện Bến Cát, Tân Uyên, việc xuất hiện các khu công nghiệp đã thu hút nhiều LĐ tại các xã này tham gia LĐ và góp phần tích cực vào việc chuyển dịch LĐ tại một số địa phương. Tuy nhiên, theo mục tiêu chung của việc xây dựng NTM là tạo ra sự phát triển cho các xã nông thôn với việc đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao thì các LĐ nông thôn chuyển hướng vào LĐ tại các khu công nghiệp chưa tạo ra động lực cho việc tăng thu nhập của người dân tại các xã NTM. Vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu LĐ để tạo ra nguồn thu nhập cao cho người dân tại xã NTM đòi hỏi phải tìm ra các mô hình kinh tế phi nông nghiệp hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Khó khăn là có thật!

Xã Phước Sang, huyện Phú Giáo là một xã thuần nông. Theo  số liệu thống kê thì trong năm 2011, tỷ lệ LĐ của xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp   chiếm trên 90%. Hiện nay, LĐ trong xã tham gia chủ yếu trong lĩnh vực khai thác mủ cao su. Thời gian gần đây, hoạt động dịch vụ đã manh nha nhưng những hoạt động này chỉ dừng lại ở mức buôn bán nhỏ lẻ, trong khi Phước Sang chưa có chợ! Tại Phước Sang cũng không có làng nghề truyền thống, không có các tổ hợp tác nông nghiệp vì vậy để có thể chuyển đổi được con số hơn 70% lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một bài toán rất khó khăn.

An Sơn cũng là một trong những xã điểm xây dựng thành công xã NTM trong năm 2013. Tuy là một xã thuộc TX.Thuận An, nhưng người dân An Sơn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của An Sơn là 386,7 ha, chiếm tỷ lệ 66,7% diện tích đất của xã. Hoạt động thương mại - dịch vụ của xã đã có chiều hướng phát triển tích cực, nhưng vẫn chưa mang lại nhiều thay đổi trong bộ mặt nông thôn của xã. Mới đây, chợ An Sơn đã được xây dựng, nhưng thực tế hoạt động mua bán tại đây chưa thật sự sôi động, chưa thu hút được nhiều hộ trên địa bàn xã tham gia. Khác với các địa phương ở các huyện phía bắc, nông nghiệp của An Sơn chủ yếu là trồng cây ăn trái. Hiện nay, An Sơn cũng đã hình thành nên các tổ hợp tác và các câu lạc bộ để có thể tiếp tục thúc đẩy các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp khác phát triển nhưng các tổ hợp tác này vẫn chỉ hoạt động ở mức độ trung bình, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết hướng phát triển của nông nghiệp An Sơn trong thời gian tới là nông nghiệp đô thị, kỹ thuật cao như trồng hoa lan, nuôi cá cảnh. An Sơn cũng có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, đó là các hoạt động du lịch kết hợp vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ của xã vẫn chưa đủ sức xây dựng các đề án phát triển kinh tế mà cần nhận được sự hỗ trợ của các sở, ngành để người dân An Sơn có thể hình thành nên các mô hình kinh tế nhằm chuyển dịch cơ cấu LĐ. Như vậy, với tình hình thực tế hiện nay tại An Sơn,  việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu LĐ trong nông nghiệp để đạt tỷ lệ mà tiêu chí đề ra cũng quá khó khăn.

Để có thể đạt được tiêu chí số 12, đòi hỏi phải có nhiều hoạt động khác tác động hỗ trợ như việc đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, xây dựng các làng nghề, các hợp tác xã nông nghiệp để có thể chuyển đổi LĐ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp sang các lĩnh vực khác. Thế nhưng, việc hình thành các làng nghề, HTX tại các xã nói trên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn! Vì vậy, tiêu chí số 12 vẫn là một trong những tiêu chí khó thực hiện để xây dựng thành công xã NTM trong thời gian tới.

CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=215
Quay lên trên