Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Cập nhật: 01-03-2019 | 06:59:43

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em, đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chính sự chăm lo này đã tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

Quan tâm chăm lo cho trẻ em

Mọi người vẫn thường nói, trẻ em là tương lai của đất nước, là mầm xanh của xã hội, trẻ em phải được học hành, vui chơi. Thế nhưng, thực tế lại không được như vậy, bên cạnh những trẻ em có hoàn cảnh gia đình khá giả, được học tập vui chơi, cũng còn một số trẻ có hoàn cảnh khó khăn, các em phải tự đi làm để kiếm tiền nuôi sống bản thân, thậm chí nuôi gia đình, em nhỏ. Bình Dương là tỉnh thu hút nhiều lao động ngoài tỉnh, do đó, số lượng trẻ em theo gia đình đi làm và trẻ em đến tìm việc chiếm khá đông. Làm gì để giúp trẻ em được hưởng những quyền lợi của mình, có lẽ đây là điều băn khoăn lo lắng không chỉ riêng ngành chức năng mà là nỗi lo chung của toàn xã hội.

Thực tế, công tác xã hội hóa chăm lo đời sống vật chất cho trẻ em đã được khẳng định thông qua những chương trình hành động thiết thực. Cụ thể, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tỉnh tăng mức chi tiền tết cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 500.000 đồng/trẻ em lên 700.000 đồng/trẻ em và đã trao 1.955 phần quà với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có văn bản chỉ đạo các địa phương quan tâm chăm lo cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, Hội đồng Bảo trợ, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Xuân với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” lần thứ 12 năm 2019. Qua chương trình đã vận động được số tiền hơn 6,1 tỷ đồng; thăm tặng quà, trao bảo trợ dài hạn cho 1.073 lượt trẻ em, tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng…

Các em thiếu nhi tham quan gian hàng sách

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH, cho biết: “Thời gian qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp huyện và các xã, phường nên các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng hoàn thiện. 100% trẻ em bị xâm hại tình dục và bị bạo lực được phát hiện, đều được hỗ trợ kinh phí, chăm sóc sức khỏe cũng như tư vấn về tâm lý để giúp các em sớm trở lại với cuộc sống bình thường. Hơn nữa các nhà văn hóa, khu vui chơi, sân chơi dành cho trẻ em được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều. Công tác xã hội hóa chăm lo cho trẻ em thuộc các xã vùng nông thôn đã tạo cơ hội cho trẻ được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần”.

Chăm lo cho từng đối tượng

Thời gian qua, các địa phương đã phát động nhiều phong trào thiết thực để chung tay chăm lo cho trẻ em. Đối với trẻ em ở khu vực thành thị, nông thôn điều được quan tâm nhất, đó là nhu cầu vui chơi giải trí, học tập của các em. Ngoài việc tổ chức vui chơi, học tập, các địa phương, ban ngành, đoàn thể còn tổ chức những buổi tọa đàm, trò chuyện để trẻ em nói lên mong muốn, ước mơ của mình đối với gia đình, xã hội. Từ những việc nhỏ, có ích đó, giúp các em hình thành tình yêu thương, lòng nhân ái, chia sẻ khó khăn với mọi người.

Có lẽ, trẻ em công nhân là mối băn khoăn lo lắng nhất, bởi các em ít được học hành, hơn nữa hàng ngày lại phải tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách. Vì vậy, Đoàn Thanh niên các cấp đã tham gia vận động từng em đến với lớp học tình thương, tổ chức sinh hoạt vui chơi cho các em tại các khu nhà trọ… Hàng năm, đội thanh niên tình nguyện ởcác huyện, thị, thành phố đã vận động hàng trăm trẻ em công nhân đến học tại lớp học tình thương ởkhu phố, đình, chùa, trong khu nhàtrọ. Những lớp học trên không chỉ giúp các em biết chữ, biết đọc, biết viết mà còn giúp các em hiểu được những kiến thức cơ bản về văn hóa, xã hội, truyền thống dân tộc và phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Không gặp những hoàn cảnh khó khăn như trẻ em công nhân nhưng trẻ em khuyết tật lại chịu nhiều thiệt thòi nhất. Các em không được học hành, lao động mà trong suy nghĩ cũng bị chi phối bởi sự thiệt thòi, mặc cảm bản thân. Để giúp các em sống vui vẻ, có ích, các ban ngành, đoàn thểdựkiến sẽ tổ chức cho trẻ em khuyết tật đi khám tại trung tâm chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng trẻ tàn tật tại TP.HồChí Minh, đưa các em sứt môi, hở hàm ếch đi phẫu thuật. Đây quả là một tin vui với gia đình, trẻ em khuyết tật trong tỉnh. Những việc làm thiết thực nhân đạo này đã diễn ra trong nhiều năm qua với ý nghĩa nhân đạo sâu sắc “thương người như thể thương thân” của dân tộc.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên