Bất động sản khó rã “băng”!

Cập nhật: 12-03-2013 | 00:00:00

Dù có thêm hy vọng từ Nghị quyết 02 của Chính phủ ra đời vào đầu năm 2013, nhưng theo các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS), thị trường vẫn tiếp tục ảm đạm và khó rã “băng”. Còn theo một số chuyên gia thì nhiều DN BĐS rất yếu nhưng lại liều, không đáp ứng các điều kiện của ngân hàng đưa ra.

DN muốn thoát khỏi BĐS

Đó là mong muốn của nhiều DN trong lĩnh vực này qua khảo sát của bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS TP.HCM. Theo bà Loan, hiệp hội đã khảo sát 40 DN BĐS thì hiện có rất nhiều DN trong số đó đang rất khó khăn, hàng loạt dự án dở dang, nợ ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng. Mong muốn của họ là thoát khỏi BĐS nhưng không có cách nào, bởi còn tồn đọng hàng tồn, nợ ngân hàng không giải quyết được. Nếu như trước đây, khi thời điểm BĐS còn “nóng” thì ở khu vực phường An Phú, quận 2, TP.HCM có giá khoảng 5 ngàn USD/m2, sau đó giảm xuống 3 ngàn USD/m2 và giờ là 2 ngàn USD/ m2. “Bức tranh của các DN BĐS quá ảm đạm”, bà Loan nhận xét. Trong khi đó, DN tiếp cận nguồn vay của ngân hàng không phải dễ dàng. Vì thế, DN mong Ngân hàng Nhà nước có chính sách nào đó hỗ trợ cho DN, trong đó có DN BĐS. Chẳng hạn, nhiều DN quá khó khăn không thể tiếp tục triển khai dự án được thì nên cho phép chuyển giao dự án với thủ tục một cách thông thoáng, cởi mở hơn trên cơ sở sửa đổi Nghị định 153.  

 Thị trường BĐS đóng “băng” làm nhiều dự án phải bỏ hoang! Trong ảnh: Một dự án BĐS tại Dĩ An đang bị bỏ hoang

Nói về cái khó, bà Loan cũng đề cập có tình trạng ngoài lãi suất vay cao trên bàn giấy, DN còn chịu lãi suất dưới gầm bàn (lãi vay phi chính thức) nên đã khó càng thêm khó. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng: “Cái xấu thường hay được đưa ra dù là cá biệt như lãi suất dưới gầm bàn. Đó là vi phạm pháp luật, đạo đức kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay không bao giờ chỉ đạo làm việc ấy và nghiêm cấm tất cả các hình thức đó. Cần nhớ, lúc thị trường BĐS ấm thì ai cũng vui vẻ, kiếm được một dự án là sống cả đời nên bất chấp lãi suất là bao nhiêu các DN BĐS cũng nhảy vào. Bây giờ khó khăn lại đổ hết cho ngân hàng là không nên. Vừa rồi ngân hàng cũng đã có những giải pháp như gia hạn, giãn, hoãn nợ vay để DN giải quyết khó khăn, tiếp tục được vay và lãi suất nay đã giảm xuống còn 15%. Hiện nay, đa phần các ngân hàng thương mại đều có lãi suất dưới 15%”.

Chưa kỳ vọng “xuất khẩu” BĐS

Nói về việc “xuất khẩu” BĐS để giải quyết khó khăn cho thị trường, bà Loan cho rằng chưa kỳ vọng. Theo bà Loan, muốn bán BĐS ra thế giới điều đầu tiên cần xem lại luật pháp Việt Nam. Người Việt Nam sang Singapore có thể mua 3 -4 căn hộ và có thể vay mấy chục năm và lãi suất rất ổn định. Nhưng người nước ngoài vào Việt Nam thì lại không được mua và phải đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước. Do đó, ngày nào mà chính sách chưa được tháo gỡ thì chưa thể nói chuyện “xuất khẩu” BĐS. Các DN BĐS đã kiến nghị nhiều lần với mong muốn chính sách được sửa đổi thông thoáng để Việt kiều và nước ngoài có thể mua được nhà tại Việt Nam mặc dù không làm việc tại Việt Nam nhưng chưa thể. Còn về việc mua bán, sáp nhập cũng là một giải pháp cứu BĐS, tuy nhiên theo bà Loan, tỷ lệ thành công rất thấp, chỉ 1 - 2 dự án trên cả trăm cuộc đàm phán.

Để giải quyết khó khăn, theo bà Loan Nghị quyết 02 của Chính phủ chưa được triển khai thực hiện nên đề nghị Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng hướng dẫn triển khai thực hiện gói cung ứng 20-40 ngàn tỷ đồng cho thị trường BĐS, đặc biệt là cho những người mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, hiệp hội BĐS cũng mong muốn ngân hàng xem xét lại các khoản vay cũ của các DN. Ngân hàng phải cùng DN bàn bạc giải pháp giải quyết gói cung ứng và lãi suất hợp lý để giải phóng hàng tồn đọng và nợ xấu. Nếu chưa giải quyết được vấn đề này thì DN BĐS còn khó dài dài!

TS Lê Thẩm Dương, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM: Nhiều DN BĐS rất yếu mà cứ liều!

Rất nhiều DN BĐS chỉ đầu tư theo ý tưởng mà không có cầu nên dễ chết yểu. Một thời những DN này tự hào “tay không bắt giặc” thì bây giờ bị “giặc” bắt lại là chuyện đương nhiên chứ đừng đổ lỗi cho ngân hàng. Việc tham gia sân chơi phải đúng sở trường, còn không có sở trường thì nên chuyển cho người có sở trường chơi, đằng này cứ liều, lấy được ba cái chứng chỉ, chứng nhận rồi yên tâm mở công ty BĐS. Ngân hàng cho vay kỳ vọng dựa vào 4 dòng tiền là ý tưởng phải tốt (nhưng phải có cầu, sức cầu); mạo hiểm trong tầm chịu được (tài chính); kinh doanh đúng sở trường; tài sản thế chấp và khả năng kinh doanh của các DN. Nếu DN không làm được thì họ không cho vay là đương nhiên…

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=202
Quay lên trên