Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất được các bác sĩ khuyến cáo là giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống sạch sẽ…
Cao điểm bệnh tay chân miệng
Theo đánh giá của Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành y tế luôn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên người ở các tuyến. Đặc biệt là đã triển khai “Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, zika và tay chân miệng năm 2018” trong toàn tỉnh, thu hút sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp. Các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có giảm hơn so với cùng kỳ nhưng không đáng kể, vẫn được ghi nhận thường xuyên ở các địa phương. Riêng bệnh tay chân miệng, trong 6 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 869 ca mắc mới, giảm 4% so với cùng kỳ.
Khám sức khỏe cho trẻ em tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Mùa hè, không khí nóng ẩm tạo điều kiện cho rất nhiều loại bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh ngoài da. Một trong số các bệnh đó được ghi nhận nhiều và thường gặp ở trẻ em đó là bệnh tay chân miệng. Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh mấy ngày nay tiếp nhận lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, điều trị tăng cao. Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, cho biết đây là thời điểm cao điểm của bệnh tay chân miệng trong năm, lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng trong những ngày qua được ghi nhận tăng khá cao. Những ca bệnh nhẹ sau khi được bác sĩ khám, tư vấn, hướng dẫn cho các bậc cha mẹ về cách chăm sóc trẻ khi bị bệnh và giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống... đều được cho về nhà điều trị.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng lợi lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Một trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng tái đi tái lại nhiều lần.
Theo bác sĩ Nguyệt, hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng bệnh duy nhất là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống. Để bảo vệ trẻ trước bệnh tay chân miệng, các bậc cha mẹ nên chú ý thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bồng trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Về chế độ ăn uống, cần thực hiện ăn chín, uống chín. Các vật dụng ăn, uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ... Về môi trường sinh hoạt, thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng mà trẻ thường tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập...
Khi trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh tay chân miệng đến lớp và chơi với các trẻ khác. Các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nhi để khám và điều trị kịp thời khi nghi ngờ cháu mắc bệnh tay chân miệng. Theo bác sĩ Minh Nguyệt, khoảng 90% trẻ mắc bệnh tay chân miệng diễn tiến lành tính, khỏi bệnh sau 1 tuần. 10% có diễn biến nặng, như viêm cơ tim cấp, phù phổi cấp, viêm não cấp...
HỒNG THUẬN