Bệnh trĩ: Cần phát hiện và điều trị sớm

Cập nhật: 12-06-2012 | 00:00:00

Bệnh trĩ (BT) là bệnh khá phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn. “Ngồi không được mà đứng cũng không xong”, là câu nói nói lên nỗi khổ của người mắc BT. Tuy nhiên, BT sẽ không còn là nỗi khổ của người bệnh nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời. Thế nhưng, vì lý do tế nhị, người mắc BT thường tìm đến bác sĩ khi bệnh đã chuyển nặng...

BT  là bệnh được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ. Là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Theo ước tính, có khoảng 30 - 50% dân số bị bệnh nhưng chỉ khoảng 10 - 15% người có trĩ cần được điều trị. Bệnh nhân mắc BT thường đi khám và điều trị rất muộn, vì bệnh tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên bệnh nhân thường ít quan tâm và vì bệnh ở vùng kín nên bệnh nhân thường e ngại khi đi khám, nhất là chị em phụ nữ.

Những nguyên nhân gây ra BT thường do tư thế đứng hoặc ngồi quá lâu, rối loạn nhu động ruột như: táo bón, ỉa chảy, mót rặn... Theo bác sĩ Quách Trung Nguyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh, có 4 loại BT: trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp và trĩ vòng. Trĩ nội nằm ở lớp dưới niêm mạc, phía trên đường lược. Bao bọc xung quanh búi trĩ là niêm mạc. Tùy theo mức độ sa ít hay nhiều, trĩ nội được chia làm 4 độ. Trĩ ngoại nằm ngoài ống hậu môn, phủ trên búi trĩ là da quanh hậu môn. Trĩ hỗn hợp là do trĩ ngoại và trĩ nội liên kết với nhau tạo thành trĩ hỗn hợp. Trĩ vòng, các búi trĩ to và các búi trĩ nhỏ liên kết với nhau tạo thành một vòng quanh hậu môn.

Lúc đầu, BT thường không có triệu chứng rõ ràng. Về sau, khi búi trĩ to ra mới xuất hiện các triệu chứng như: chảy máu, sa búi trĩ, đau, ngứa. Triệu chứng sớm và thường gặp nhất là chảy máu. Triệu chứng nữa là sa búi trĩ. Búi trĩ sa ra ngoài ống hậu môn là mức độ nặng của trĩ nội. Mức độ sa dựa và mức độ phân loại của BT. Triệu chứng đau cũng có nhưng thường thì không đau. Triệu chứng này xuất hiện là do biến chứng tắc mạch, sa nghẹt hoặc là do tình trạng co thắt các cơ, do tổn thương nứt kẽ hậu môn đi kèm. Triệu chứng ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn làm cho bệnh nhân cảm thấy hậu môn lúc nào cũng có cảm giác ướt và ngứa. Ngoài ra, còn có triệu chứng toàn thân. Hầu hết, người mắc BT toàn thân thường không có triệu chứng gì, chỉ ở một số bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, da xanh do mất máu kéo dài. Triệu chứng thực thể được phát hiện thông qua khám theo sự phân loại của BT.

Độ nặng của bệnh tùy thuộc vào mức độ suy của hệ tĩnh mạch trĩ. Vì thế, người mắc BT chữa trị càng sớm thì càng nhanh khỏi, giảm đau đớn, giảm biến chứng cũng như chi phí điều trị. Người mắc trĩ nếu để lâu ngày không điều trị có thể tăng nguy cơ: trĩ ngoại tắc mạch, trĩ nội tắc mạch, trĩ nội sa nghẹt, khối trĩ sa nghẹt, hẹp trực tràng và áp xe hậu môn. Các biến chứng này làm cho bệnh nhân rất đau đớn, khó chịu.

Theo bác sĩ Nguyên, năm 1998 Bệnh viện YHCT tỉnh đã thành lập khoa ngoại - phụ. Đến năm 1999, bệnh viện tiến hành áp dụng điều trị BT bằng phương pháp phẫu thuật Laser CO2. Từ năm 2006 đến nay, bệnh viện áp dụng điều trị BT bằng phương pháp tiêm xơ teo búi trĩ. Phương pháp điều trị này không gây đau đớn nhưng lại có hiệu quả cao nên được người bệnh tin tưởng và lựa chọn. Qua kết quả thống kê và nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ khỏi bệnh sau khi được điều trị bằng phương pháp này chiếm 82,23%, tỷ lệ đỡ chiếm 17,77%. Trong quá trình điều trị chưa có biến chứng nào xảy ra. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyên cũng cho biết, phương pháp tiêm xơ teo búi trĩ chỉ có hiệu quả tốt với các mức độ trĩ nội từ độ I đến độ IV. Còn với trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại sa dãn thì tác dụng hạn chế, cần kết hợp thêm phẫu thuật ngoại khoa.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, để ngăn chặn các yếu tố thuận lợi phát sinh BT mọi người cần lưu ý. Về chế độ ăn uống, nên ăn với chế độ nhuận tràng, đồ ăn dễ tiêu, nhiều rau xanh, trái cây. Uống nhiều nước, cữ rượu, hạn chế cà phê, trà đặc. Nếu có táo bón phải dùng thuốc nhuận tràng, dùng từng đợt và không nên kéo dài. Về chế độ sinh hoạt, tránh ngồi lâu một chỗ. Mọi người nên tập thói quen đại tiện đúng giờ, không nên nhịn đại tiện vì sẽ gây ra táo bón. Các thói quen như ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu, đọc báo trong nhà vệ sinh hoặc dùng lực quá sức... đều là thói quen không tốt, nên thay đổi. Tránh thức khuya, tập thể dục đều đặn, chơi thể thao vừa sức. Chế độ làm việc, tránh những công việc nặng nhọc quá sức, những động tác mạnh bạo làm áp lực ổ bụng tăng lên đột ngột. Giữ gìn vệ sinh vùng hậu môn, bởi vì hậu môn, trực tràng... là nơi có nhiều vi khuẩn, dễ gây ra viêm nhiễm tuyến mỡ da, tuyến mồ hôi xung quanh hậu môn, từ đó sinh ra mụn nhọt, phù thũng. Đặc biệt đối với phụ nữ, âm đạo gần với hậu môn, chất bài tiết ở âm đạo khá nhiều, có thể kích thích da hậu môn, gây ra BT. Vì vậy, nên thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ vùng này và thay quần lót thường xuyên, như thế sẽ có tác dụng phòng chống BT. Ngoài ra, người bị các rối loạn đại tiện, mắc các bệnh mãn tính... cũng cần điều trị sớm nhằm ngăn chặn BT phát sinh.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên