Bình Dương và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012: Cái nhìn giữa thứ hạng và thực tế

Cập nhật: 18-03-2013 | 00:00:00

  Đường vào Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Bến Cát

 Nhìn lại PCI 2012

Theo VCCI và VNCI, đứng đầu bảng xếp hạng PCI năm 2012 là tỉnh Đồng Tháp, thứ 2 là An Giang và thứ 3 là Lào Cai. Đối với những địa phương trước đây luôn nằm ở “top” đầu như Bình Dương thì tụt xuống vị trí thứ 19, Đà Nẵng xuống thứ 12…

Theo hồ sơ PCI năm 2012, điểm tổng hợp kết quả PCI của Bình Dương đạt 59,64 điểm, trong đó điểm của 9 chỉ số thành phần cụ thể như: gia nhập thị trường 8,01 điểm; tiếp cận đất đai 6,21 điểm; tính minh bạch 6,66 điểm; chi phí thời gian 5,42 điểm; chi phí không chính thức 7,83 điểm; tính năng động 5,16 điểm; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 3,19 điểm; đào tạo lao động 5,48 điểm; thiết chế pháp lý 3,07 điểm. Còn đối với Đồng Tháp, một tỉnh dẫn đầu thì tổng hợp kết quả PCI đạt 63,79 điểm (cao hơn Bình Dương 4,15 điểm). Trong đó điểm của 9 chỉ số thành phần như sau: gia nhập thị trường 8,84 điểm; tiếp cận đất đai 8,50 điểm; tính minh bạch 6,61 điểm; chi phí thời gian 6,02 điểm; chi phí không chính thức 7,79 điểm; tính năng động 7,17 điểm; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 2,95 điểm; đào tạo lao động 4,91 điểm; thiết chế pháp lý 4,41 điểm. So sánh con số giữa hai địa phương này cho thấy, trong 9 chỉ số thành phần thì Đồng Tháp có đến 5 chỉ số cao hơn. Trong đó, vượt trội ở những chỉ số như tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường, chi phí thời gian và thiết chế pháp lý.

Và thực tế

Trên thực tế, Bình Dương vẫn là một trong những địa phương năng động, đi đầu về cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng… nhằm thu hút các nhà đầu tư. Con số thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2012 được Cục Đầu tư nước ngoài thống kê với địa phương đứng đầu là Bình Dương đã minh chứng điều đó.

Về chi phí thời gian theo PCI 2012, Bình Dương chỉ đạt 5,42 điểm (thấp hơn Đồng Tháp 0,6 điểm) nhưng trên thực tế chưa hẳn vậy. Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước có liên quan đến nhiều ngành, trong đó thuế, tài nguyên - môi trường và hải quan là những ngành mà DN có mối liên quan mật thiết nhất.

Trong khi đó, Hải quan Bình Dương được đánh giá là một trong 10 cục hải quan của cả nước ứng dụng thí điểm thủ tục hải quan điện tử thành công nhất. Các “luồng xanh, luồng vàng” (phân loại hàng hóa) đều được Hải quan Bình Dương rút ngắn thời gian xuống một cách đáng kể. Với ngành thuế, thời gian qua Cục Thuế Bình Dương đã đưa vào hoạt động hệ thống quản lý chất lượng ISO, kê khai thuế, hoàn thuế bằng điện tử, DN không cần trực tiếp đi lại mất thời gian mà chỉ cần làm việc qua mạng. Ngành thuế đang phấn đấu trong thời gian tới các DN phải kê khai thuế bằng điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn những DN nhỏ chưa thể ứng dụng hệ thống điện tử do chưa có quá trình đầu tư máy móc. Bên cạnh đó website của ngành thuế cũng được xây dựng và cập nhật rất tốt, công khai, minh bạch mọi chủ trương, chính sách.

Có một thực tế là hiện nay Bình Dương đang chọn lọc trong thu hút đầu tư. Vì thế, có những DN không nằm trong danh mục thu hút và có nguy cơ gây ô nhiễm cao sẽ không được chấp nhận là đương nhiên. Để phát triển bền vững, thực tế ít nhiều không thể không va chạm với một số DN. Và, Bình Dương đã biết nói không với những dự án, DN không phù hợp. Bên cạnh đó, nhìn ở một góc độ “quyền lực mềm” từ DN, báo cáo PCI năm 2012 cũng nhận định, DN sẽ đánh giá tích cực về chất lượng điều hành nếu họ ăn nên làm ra. Nhưng ngược lại, nếu kinh doanh thua lỗ hoặc phải giảm quy mô thì đánh giá của họ về chất lượng điều hành sẽ có xu hướng tiêu cực.

 TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=163
Quay lên trên