“Bức thư gửi lại người đang sống”: Khơi dậy niềm xúc động, tự hào

Cập nhật: 06-05-2016 | 08:32:28

Sau loạt bài “Bức thư gửi lại người đang sống” khởi đăng trên báo Bình Dương từ ngày 20-4 đã thu hút không ít độc giả cả trong và ngoài tỉnh. Có những độc giả là những người đã từng tham gia chiến tranh, trải qua những thời điểm khốc liệt giữa ta và địch trong cuộc chiến, cũng có những độc giả là thế hệ trẻ đang tiếp bước công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cha anh... Tất cả họ đều có chung niềm xúc động, tự hào khi đọc “Bức thư gửi lại người đang sống”...

ÔNG PHẠM VĂN CHÓT, NGUYÊN SƯ ĐOÀN PHÓ, CHÍNH TRỊ SƯ ĐOÀN 7, QUÂN ĐOÀN 4: Ý chí của cả một dân tộc...  

Là người từng tham gia rất nhiều trận đánh lớn tại chiến trường Trị Thiên từ năm 1963- 1974, tôi không quên những ngày tháng “mưa bom bão đạn” ác liệt trong chiến tranh. Khi đọc “Bức thư gửi lại người đang sống”, những hồi ức chiến tranh lại được tái hiện rõ mồn một trong tâm trí. Những trận đánh quyết chiến, những đòn tấn công bất ngờ, luôn kèm lẫn những hy sinh mất mát không thể tránh khỏi. Chúng ta đã đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc, nhật ký Lê Thị Thiên, nhưng “Bức thư gửi lại người đang sống” lại thể hiện ở một “góc” khác của cuộc chiến.

“Chiến tranh mà. Nó định đoạt vận mệnh con người một cách mù quáng, kinh khủng. Nhất định chúng tôi phải hoàn thành bản viết này - đó là ý chí cuối cùng - để vẹn tròn nhiệm vụ của mình, vẹn tròn cuộc đời của những chàng trai thời đại mà Tổ quốc đang cần được giải phóng, dân tộc đang cần phải đứng lên”... Với tôi, những dòng này không chỉ dừng lại là một lá thư. Đó là ý chí, bản lĩnh chiến đấu của cả một dân tộc. Những đồng chí của Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn Bình Giã nói riêng và những đồng chí tham gia cuộc vệ quốc vĩ đại nói chung là những anh hùng của Tổ quốc... Bản thân tôi là người trong cuộc, đọc lại những dòng chữ ấy mà chảy nước mắt vì xúc động. Đó là bản lĩnh tuổi trẻ một thời luôn can trường trong gian khổ khiến kẻ thù phải khiếp sợ... Hòa bình đã trở lại, bản thân tôi luôn đặt sự tin tưởng vào thế hệ trẻ hiện tại. Họ có trí tuệ, có cơ hội học tập, có cơ hội đào sâu nghiên cứu về lịch sử, họ sẽ hiểu những giá trị bất biến mà cha ông đã để lại.

ÔNG TRẦN VĂN HỘT, CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH PHƯỜNG HƯNG ĐỊNH, TX.THUẬN AN: Cần biết trân trọng giá trị của hòa bình

Đọc “Bức thư gửi lại người đang sống”, tôi lại nhớ như in những ngày tháng tham gia tại Tiểu đoàn 208, Đại đội 4 đóng tại sân bay Bù Đốp, Lộc Ninh, Bình Phước. Bức thư này có rất nhiều chi tiết trùng lắp với một thời binh đạn của chúng tôi. Chẳng hạn như đoạn: “Cuối cùng chúng tôi tìm ra cây súng tiểu liên của Bảy Đước ở một gốc cây đổ, súng bị cong vẹo. Những mảnh vải ba lô, những mảnh của bộ quần áo độc nhất bằng ni lông mà anh thường bận quanh năm, từng mảnh rách mắc vào cành cây ngã ở một hố bom. Chúng tôi đoán Bảy Đước đã phải chịu cả một quả bom. Thân anh không còn lấy một mảnh, đã trở thành bụi để bón cho đất miền Đông”.

Đó là cảnh đau xót nhất, nhưng cũng chân thật nhất, bi tráng nhất về những gì chiến tranh đã buộc chúng tôi phải trải qua. Đau thương, xót xa và không kìm được nước mắt khi nhắc lại chuyện cũ dù chiến tranh đã lùi xa 41 năm. Hiện tại, chúng ta được sống trong thanh bình. Tôi hy vọng những người trẻ sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biết trân trọng và giữ gìn giá trị của hòa bình; chung tay xây dựng đất nước ta phát triển giàu mạnh và khang trang hơn...

BẠN PHẠM LÊ KHOA, BÍ THƯ CHI ĐOÀN THƯ VIỆN TỈNH: Khâm phục và tự hào

Tôi từ xúc động đến khâm phục và tự hào sau khi đọc “Bức thư gửi lại người đang sống”. Dường như cả bầu trời lý tưởng, nhiệt huyết được mở ra trong từng câu chữ. Tôi tự hỏi những bậc cha, anh đã lấy từ đâu một tinh thần lý tưởng kiên định như vậy?! Phải chăng như lời của đồng chí Chí nói theo cách chơi chữ: “Chúng ta mất Nước, khát Nước nên đi chiến đấu để giành lại Nước và giờ đây chúng ta khát nước quá nên việc trước tiên là phải lo tìm cho có nước”. Một câu nói nghe bình thường nhưng cũng đầy ẩn ý! Những thế hệ cha anh lên đường đánh giặc như một thứ bản năng, bản năng của người khát là tìm nước giải khát, cũng như bản năng của người yêu nước là đi giành lại đất nước. “Cái khát kéo chúng tôi đi, đòi chúng tôi phải đi để tìm cho được nước”… Vì khát nước, khát tự do đã hun đúc cho các anh một tinh thần, một lý tưởng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Rất nhiều giá trị cao đẹp được chứa đựng trong tác phẩm, đó là tinh thần yêu nước, sự hy sinh, dũng cảm đương đầu thử thách, trách nhiệm với đồng đội, cấp trên ngay cả giờ phút hiểm nguy, cận kề cái chết và trên hết là trách nhiệm trong việc gửi gắm những lý tưởng cao đẹp cho thế hệ sau.

BẠN HUỲNH THỊ YẾN NHƯ, CHI ĐOÀN TRUNG TÂM CÔNG BÁO TỈNH: Tinh thần của các anh là bất tử...

Là một người trẻ được sống trong thời bình, những kiến thức đã học trong sách giáo khoa không thể tả hết chi tiết những gì xảy ra trong cuộc chiến. Bởi thế, khi được đọc “Bức thư gửi lại người đang sống” do Báo Bình Dương khởi đăng, tôi thật sự xúc động. Đó là những dòng văn lột tả chi tiết, chân thật đến rùng rợn về hậu quả chiến tranh. Nhưng có chân thật như vậy, chúng tôi mới hiểu và biết trân trọng sự yên ả của thời bình hơn bao giờ hết.

Các anh, những người được giao nhiệm vụ đòi hỏi sự dũng cảm, hy sinh đã nhận nhiệm vụ không một chút đắn đo suy nghĩ, tự hướng mình làm mục tiêu thu hút địch, bảo vệ an toàn cho đơn vị. Các anh, mỗi người một tâm tình, dành trọn tuổi xuân cho lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, gác lại phía sau lời hứa với bố như anh Vũ; thi đua giết giặc với người yêu như anh Chí; lời hứa về một ngày tái hợp với vợ con như anh Dũng… Các anh đã vĩnh viễn nằm xuống nhưng tinh thần được các anh gửi gắm lại cho “các em con, các cháu nhỏ của xóm làng” những tinh thần bất tử.

THANH LÊ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Bức thư

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên