Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh: Thu hút vốn FDI tiếp tục khởi sắc

Cập nhật: 20-07-2016 | 08:51:58

Nhờ có chiến lược rõ ràng, đầu tư bài bản, trong những năm qua, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy thế mạnh, hấp dẫn các nhà đầu tư. Chính vì thế, vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào đây liên tục tăng cao, trở thành nguồn lực to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Điểm đến vốn FDI

Nhìn lại chặng đường thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua có thể thấy vai trò rất lớn của các khu, cụm công nghiệp. Nhờ có quá trình chuẩn bị, kiến tạo và phát triển lâu dài nên đến nay, Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương đi đầu về phát triển các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.

Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 9.412 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 65% và 8 cụm công nghiệp với diện tích 600 ha, diện tích cho thuê đạt 45%. Trong 5 năm qua (2011-2015), tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đạt 76% tổng số vốn được duyệt. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Bình Dương đã đầu tư trên 750 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các khu, cụm công nghiệp. Nhờ các khu, cụm công nghiệp phát triển bài bản, đồng bộ nên trong những năm qua, Bình Dương đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh nhà đã thu hút được gần 1,1 tỷ USD vốn FDI; trong đó có 113 dự án đầu tư mới với tổng vốn là 730 triệu USD và 64 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 337 triệu USD. Lũy kế đến ngày 15-6, Bình Dương có 2.700 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 24,7 tỷ USD.

Nhờ có hạ tầng tốt, chỉ tính riêng trong 6 tháng qua, các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh đã cho thuê lại đất, nhà xưởng với tổng diện tích 225 ha, thu hút vốn FDI đạt 949 triệu USD. Hàng hóa của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất xuất khẩu đạt 6 tỷ USD; doanh thu của các doanh nghiệp đạt 8,7 tỷ USD.


Các KCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư.
Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Gỗ Kaiser (KCN Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI

Ông Ngô Kiến Hoành, Chi hội trưởng Chi hội Thương gia Đài Loan tỉnh Bình Dương cho biết: “Chúng tôi thực sự ấn tượng và cảm thấy an tâm khi đầu tư các dự án tại Bình Dương. Hạ tầng giao thông, đô thị và đặc biệt là các KCN được đầu tư bài bản, đồng bộ đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư Đài Loan nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung. Chính vì thế, dòng vốn FDI từ Đài Loan về Bình Dương liên tục gia tăng trong thời gian qua”. Ông Hoành cũng chia sẻ rất ấn tượng và cảm thấy an tâm khi các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư những dự án lớn tại Bình Dương. Điều quan trọng là sự thân thiện, năng động của chính quyền cũng như con người nơi đây đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Dưới góc độ của nhà đầu tư, ông Mitsuhiro Mori, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh nói, việc Bình Dương chú trọng và gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng là bước đi cần thiết đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt là những nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, đô thị…

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Trong thời gian qua, Bình Dương đã nhanh chóng triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch KCN theo Công văn số 173/TTg-KTN ngày 28-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đến năm 2020, Bình Dương có 33 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha. Không dừng lại ở đó, Bình Dương liên tục xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để nâng cao chỉ số hài lòng của nhà đầu tư.

Khi nhắc đến sự thành công của các khu, cụm công nghiệp của Bình Dương không thể không nói đến điểm nhấn Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị được quy hoạch bài bản, đồng bộ. Trong đó, KCN, khu dịch vụ cao cấp, khu đô thị mới được xây dựng hiện đại, bao gồm các khu phức hợp đa năng với quy mô dân số khoảng 400.000 người. Khu đô thị mới Bình Dương không chỉ là điểm đến cho hàng ngàn nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà còn được định hướng là nơi hội tụ, thu hút trí tuệ và phát triển công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển tỉnh nhà.

Thành công bước đầu trong việc xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị đã mở ra nhiều triển vọng cho tỉnh tiếp tục phát triển các KCN đa ngành, đa lĩnh vực gắn liền với việc hình thành các khu vực dịch vụ - đô thị theo hướng văn minh, hiện đại trong thời gian tới. Bình Dương sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng phát triển các KCN tập trung và các cụm công nghiệp ở phía bắc của tỉnh theo quy hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng lộ trình, phương án chuyển đổi công năng của một số KCN phía nam của tỉnh để phù hợp với tình hình mới nhằm mục đích phát triển đô thị và dịch vụ. Bình Dương cũng sẽ tập trung mọi điều kiện thuận lợi sau khi các hiệp định thương mại tự do mà nước ta tham gia được ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để thu hút các nhà đầu tư.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong dịp đối thoại doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Bình Dương mới đây đã khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; kịp thời giải quyết kiến nghị và vướng mắc để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; đồng thời tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, cấp nước, điện, xử lý môi trường… Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ tiến hành quy hoạch mở rộng các KCN tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định cho địa phương...

Vốn FDI “chảy” mạnh vào công nghiệp phụ trợ

Trong số các dự án đầu tư vào các KCN của Bình Dương trong thời gian qua, có nhiều dự án đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ. Có thể kể đến như dự án của Công ty TNHH Chain Yarn Việt Nam, sản xuất sợi, dệt vải, hoàn thiện sản phẩm dệt với số vốn 87 triệu USD; dự án Công ty TNHH Công nghiệp De Licacy Việt Nam với số vốn 100 triệu USD đầu tư tại KCN Bàu Bàng; dự án sản xuất, gia công các loại đèn LED BLU dùng trong tivi, monitor, ứng dụng điện thoại… của Công ty TNHH Lumens Vina…

Có thể thấy, việc thu hút vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh trong thời gian qua không chỉ tăng về số lượng dự án, mà còn tăng mạnh về vốn và chất lượng dự án. Theo đó, hầu hết vốn FDI đầu tư vào các KCN được quy hoạch bài bản, phù hợp định hướng chung của tỉnh. Các ngành thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất là công nghệ sản xuất điện tử, kim khí, máy móc, thiết bị… Đặc biệt, nhiều dự án đã đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ mà Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng còn thiếu và yếu như: Dự án Tập đoàn Far Easetern, dự án Tập đoàn DDK, dự án Tập đoàn Cheng Long...

 

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=580
Quay lên trên